Từ trái tim đến trái tim
Những gì đến từ trái tim sẽ dễ dàng chạm đến trái tim. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, Báo Tiền Phong liên tiếp tổ chức 2 cuộc đấu giá tranh trực tuyến nhằm mục đích từ thiện, đã huy động được 29 bức tranh, trong đó có những tên tuổi như Lê Công Thành, Trần Nguyên Đán, Đỗ Phấn, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Phạm Luận, Đào Hải Phong….
Không chỉ qui tụ những tên tuổi đình đám, chương trình còn thu hút sự quan tâm của những nhà văn cầm cọ như nhà văn Trần Thị Trường; nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ thị giác Lê Anh Hoài; hay họa sỹ trẻ mới tinh trên thị trường tranh Việt, Phan Minh Bạch.
Tác phẩm “Bạch liên” của Đỗ Phấn |
Ở chương trình đấu giá tranh trực tuyến lần 1, hướng về tuyến đầu, tôi chỉ dự định xin tranh của họa sỹ Đặng Xuân Hòa. Để thuyết phục họa sỹ nổi tiếng, tôi nhờ đến phu nhân của họa sỹ. Và thu được kết quả ngoài mong đợi, không những Đặng Xuân Hòa đồng ý tặng chương trình một bức tĩnh vật mà phu nhân của danh họa, họa sỹ Đỗ Thúy Hằng cũng gửi tặng chương trình một bức tranh hoa rực rỡ. Thế là, ngoài vợ chồng Lê Công Thành - Kim Thái, chúng tôi có thêm sự góp mặt của Đặng Xuân Hòa - Đỗ Thúy Hằng…
Trong đợt đấu giá tranh trực tuyến lần 2, hướng về trẻ em chịu thiệt thòi trong bão dịch, cũng có những trường hợp tương tự. Nhà văn, nhà báo Lê Anh Hoài, Báo Tiền Phong không những nhận lời tham gia chương trình, anh còn tích cực lan tỏa thông điệp. Họa sỹ Đỗ Phấn, rất hiếm khi tham gia những chương trình đấu giá tranh vì mục đích thiện nguyện, khi nghe chuyện của họa sỹ Lê Anh Hoài, liền tặng ngay chương trình bức “Bạch liên”.
Những tâm tình của Đỗ Phấn khiến tôi cảm động. Anh bảo, tuổi anh đã cao, không còn vẽ được nhiều nhưng báo Tiền Phong tổ chức thì anh xin được tham gia ngay. Từ lâu, Đỗ Phấn đã xem báo Tiền Phong như “ngôi nhà” của mình. Bao nhiêu cái tết trôi qua là bấy nhiêu tranh con giống của Đỗ Phấn lưu lại trên bìa giai phẩm xuân của Tiền Phong Chủ Nhật.
Tham gia vào ban tổ chức của chương trình đấu giá tranh trực tuyến không khác nào “làm dâu trăm họ”, sẽ có người khen chất lượng tác phẩm nhưng không thiếu những tiếng chê, bởi “gu” mỗi người mỗi khác, chưa kể những chuyện ngoài nghệ thuật đôi khi có tác động không nhỏ đến cảm nhận, đánh giá tác phẩm. Nhưng dù sao, ban tổ chức cùng các họa sỹ cũng đã cố gắng hết mình với mong muốn đấu giá tranh vì mục đích từ thiện nhưng tác phẩm phải có sức sống thực sự, không cậy nhờ lòng hảo tâm.
Tham gia tổ chức đấu giá tranh trực tuyến vì mục đích thiện nguyện tôi mới hay nhiều họa sỹ có tình cảm với Báo Tiền Phong. Hai con trai của cố nhà văn Kim Lân lựa chọn những tác phẩm tâm đắc để gửi đến chương trình.
Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức (Đức Nhà sàn), con trai thứ 4 của cố nhà văn nói: “Các bạn có thể đến tận xưởng của tôi ở Bát Tràng để chọn tranh. Chọn bất kể bức nào các bạn dự cảm có khả năng bán tốt thì lấy, không giới hạn chất liệu hoặc kích thước”. Một sự thoải mái hết cỡ. Bức “Mẫu tử”, chất liệu sơn mài của họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức được chính những người trong nghề gật gù.
Trong cuộc chuyện phiếm, họa sỹ Hà Trí Hiếu chia sẻ, anh “bị thích” bức này. Người con lặng lẽ của nhà văn Kim Lân, họa sỹ Từ Ninh mất nhiều ngày mới ra bức “Tắm” để gửi tặng chương trình. Anh gửi bao nhiêu tranh cho họa sỹ Đào Hải Phong, người bạn thân thiết của anh, chọn giúp. Bởi “đứa con tinh thần” nào cũng được anh yêu như nhau, thành ra lúng túng… Chính Đào Hải Phong chọn giúp Từ Ninh bức “Tắm”. Họa sỹ Từ Ninh lại băn khoăn hỏi bạn thân, “Tắm” kích thước nhỏ quá, liệu ban tổ chức có nghĩ anh… “ki” không? Thật thà và dễ mến như Từ Ninh vậy!
Trao hoa ngoài đường
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc ban tổ chức trao hoa, thư cảm ơn cho các họa sỹ cũng đặc biệt. Trong đợt đấu giá tranh trực tuyến lần 1, hướng về tuyến đầu chống dịch, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng trao hoa cho nhiều họa sỹ ở… ngoài đường. Cả họa sỹ và lãnh đạo Báo đều không rõ mặt nhau, bởi ai cũng phải mang khẩu trang. Song đôi bên đều vui vì vừa hoàn thành một công việc có ý nghĩa.
Đa phần các họa sỹ chỉ tặng tranh, còn khung tranh để người mua tự chọn theo sở thích. Nhưng cũng có những họa sỹ nhất định phải “xống áo chỉnh tề” cho “đứa con tinh thần” của mình, trước khi chúng được “gả” cho người khác. Nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường khoe: “Làm khung cho tranh rồi, khung gỗ sồi nhé”. Sau khi “mặc áo” cho “đứa con tinh thần” chị lại chụp hình khoe tiếp: “Nhìn thế này mới đã!”. Hai con trai của họa sỹ Từ Ninh hay họa sỹ Trần Lưu Mỹ cũng “đòi” tặng tranh kèm khung.
“Lực lượng yểm trợ” không đồng
Tôi nghe nhiều người khen, cả hai đợt đấu giá tranh trực tuyến do Báo Tiền Phong tổ chức, chất lượng tranh đều tốt, thậm chí có những bức được nhiều người trong giới trầm trồ. Ban tổ chức chương trình chưa có kinh nghiệm trong việc đấu giá và thẩm định tranh, song tôi, người đề xuất sáng kiến và tham gia vào ban tổ chức, đã tìm được lực lượng yểm trợ miễn phí. Cứ nảy sinh bất kể khó khăn hay trục trặc nào tôi lại “alo” cho họa sỹ Đặng Tiến ở Hải Phòng, thậm chí làm phiền anh cả đêm khuya. Anh như người anh tin cậy của một số nhà báo hay viết về hội họa.
Đặng Tiến vừa là một họa sỹ ăn khách, vừa là một nhà báo, vì thế tôi cũng như các đồng nghiệp khác dễ dàng tìm thấy ở anh sự sẻ chia, thấu hiểu. Người đầu tiên tôi ngỏ lời xin tranh cho chương trình đấu giá tranh từ thiện lần 1 của Báo Tiền Phong cũng chính là Đặng Tiến, bởi tôi tin 99% sẽ thành công. Đúng như tôi dự đoán. Đặng Tiến sẵn sàng tặng tranh cho chương trình của Báo Tiền Phong, không cần nghĩ ngợi nhiều.
Khác với Đặng Tiến, Đào Hải Phong chần chừ khoảng hai ngày mới quyết định tặng một bức sơn dầu cho chương trình. Không phải anh “chặt chẽ” mà vì trước đó, anh vừa tham gia một chương trình đấu giá tranh thiện nguyện ở TPHCM: “Tôi không muốn sự xuất hiện của mình dày đặc”, anh nói.
Ngay chính phu nhân của Đào Hải Phong cũng xin tranh của chồng để làm từ thiện nhưng anh cũng phải ngẫm nghĩ rất kỹ...? Cuộc đấu giá lần 1 khép lại, sau khoảng 2 tháng, chúng tôi tổ chức đợt đấu giá tranh trực tuyến lần 2, hướng về trẻ em thiệt thòi trong bão dịch. Lúc này, Đào Hải Phong và Đặng Tiến lại đứng trong hậu trường, “yểm trợ” miễn phí cho tôi. Một vài nhà sưu tập lớn cũng giúp tôi có thêm hiểu biết về thị hiếu của “thượng đế”. Tôi thường đặt câu hỏi với họ: “Nếu là anh/chị, anh /chị sẽ chọn mua bức nào? Vì sao? ”. Câu trả lời của các nhà sưu tập cùng với tư vấn của các họa sỹ sẽ đưa tôi đến quyết định cuối cùng.
Tác phẩm “Nude” của Phạm Thăng Long |
Những người ngại nói
Họa sỹ Lê Anh Hoài nói rằng: Nếu chương trình đấu giá tranh trực tuyến vì mục đích từ thiện lại cắt phần trăm cho họa sỹ như không ít chương trình khác, thì anh sẽ không tham gia. Đã từ thiện thì không nên tính toán làm gì. Điều đáng nói, không một họa sỹ nào trong 29 gương mặt tham dự 2 chương trình đấu giá tranh trực tuyến do Báo Tiền Phong tổ chức đòi hỏi trích phần trăm.
Ngay cả những tác phẩm mang lại nguồn thu cao, như tác phẩm của Đặng Xuân Hòa hay Phạm Luận, 90 triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng, tác giả cũng vô tư trao tặng. Điều lo lắng của các họa sỹ khi tham gia đấu giá tranh trực tuyến do Báo Tiền Phong tổ chức lại nằm ở vấn đề khác: Liệu tranh của mình trao tặng có bán được hay không? Họ đều thở phào nhẹ nhõm khi những đứa con tinh thần của họ tìm được chủ. Là những người từng trải, nên các họa sỹ không có gì “sốc” khi tranh chưa bán được.
Chưa bán được là chuyện bình thường, cứ vẽ xong lập tức có người đến hỏi mua ngay mới là bất bình thường. Nhưng đã tham gia chương trình đấu giá tranh vì mục đích thiện nguyện, họa sỹ còn muốn trao gửi tấm lòng mình để sưởi ấm những đối tượng chịu thiệt thòi. Tranh không đi được, họa sỹ cảm thấy áy náy. Bởi họ đều coi việc đóng góp công sức trong đấu giá tranh vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của nghệ sỹ với cộng đồng.
Tác phẩm “Chiều mùa hè” của Vũ Bích Thủy |
Tấm lòng của họa sỹ là thế. Nhưng khi mời họ trả lời phỏng vấn thì nhiều người nhất định không chịu. Họa sỹ Phạm Thăng Long tặng tranh rồi nói: “Từ đây tranh thuộc toàn quyền ban tổ chức”. Muốn anh chia sẻ đôi điều về quan điểm nghệ thuật và về tác phẩm anh tặng chương trình thì Phạm Thăng Long bảo: “Gửi câu hỏi cho anh, để anh viết ra, anh không nói được”. Hai tiếng sau gọi lại, người tuyên bố “ham chơi, ham đàn bà đẹp” lại từ chối: “Câu hỏi của em khó quá. Cho anh “nợ”. Thôi, em viết về anh thế nào cũng được.