> Tham nhũng vặt tiếp tục tăng
> Phong bì 'bôi trơn': Phổ biến
44% số người được hỏi cho biết phải “lót tay” khi xin vào nhà nước; 42% nói phải có phong bì khi khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện; 17% nói phải “bôi trơn” khi xin cấp sổ đỏ; 72,88% cho rằng có tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì; với mức “bôi trơn” dưới 500.000 đồng, chỉ 21% trả lời sẽ tố giác...
Thực ra chưa có ai định nghĩa thế nào là tham nhũng vặt, chắc chỉ tạm hiểu với nhau “vặt” tức là không lớn, không nổi đình đám song lại rất phổ biến, diễn ra hàng ngày hàng giờ xung quanh chúng ta.
Nhưng chính cái tệ nạn “vặt vãnh” quá phổ biến, cái thứ phong bì “bôi trơn” cho cả bộ máy hành chính quốc gia này mới thực sự nguy hiểm.
Chuyên gia Jairo Acuna-Alfalo của UNDP nhẩm tính: “Mỗi năm Việt Nam cấp trung bình 6 triệu sổ đỏ. Nếu 17% trong số này phải “bôi trơn” (theo công bố) trung bình 123 nghìn đồng/lượt thì tổng số tiền “bôi trơn” để làm sổ đỏ lên tới 6,5 triệu USD”.
Chỉ riêng chuyện sổ đỏ, trên bình diện cả nước đã phải “bôi trơn” ngần ấy tiền, vậy cả trăm, ngàn các dịch vụ công khác cộng lại, người dân sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền “bôi trơn” đây? Chắc hẳn là không hề nhỏ! Mác nói “tiền là giá trị sức lao động”, vậy nên một nguồn lực lớn của xã hội đã và đang bị tổn hao một cách vô ích.
Nguy hại hơn, hành động đưa phong bì “bôi trơn”, hay còn gọi là tham nhũng vặt đó đã và đang trở nên ngày càng phổ biến, thành một “thói quen” trong xã hội. Cả người đưa và nhận đều không thấy ngượng ngùng, tội lỗi. Người dân thì đa số không muốn tố cáo các hành vi trên, họ chấp nhận và cam chịu.
Hội chứng “bôi trơn” tràn lan trong xã hội, thậm chí “bôi mà vẫn không trơn” chính là một trong những tác nhân làm băng hoại đạo đức, làm đảo lộn các giá trị trong xã hội.
Một khi tham nhũng vặt tràn lan còn người dân thì có xu hướng cam chịu, tức sức đề kháng của xã hội với cái xấu đang suy giảm. Nếu không có biện pháp để chặn đứng, tác hại sẽ khôn lường.