Cám cảnh những góa phụ chịu cảnh “màn trời chiếu đất”

Ngôi nhà của bà Sắc hoang tàn sau bão
Ngôi nhà của bà Sắc hoang tàn sau bão
TPO - Bão số 10 đã qua được ba ngày nhưng những người dân vùng biển Nghệ An vẫn chưa hết bàng hoàng về sự tàn phá nặng nề mà cơn bão gây ra. Hàng vạn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập, một diện tích lớn hoa màu bị tàn phá, nhiều người đàn bà góa phụ chịu cảnh “màn trời chiếu đất”.

Đến thị xã Cửa Lò trong ngày này, người ta sẽ nhìn thấy sự ngổn ngang, hoang tàn. Hàng trăm ki ốt dọc biển xiêu vẹo, gạch ngói, mái tôn văng tứ tung. Cây xanh trụi lá xác xơ, vỉa hè, bờ đường thành nơi tập kết rác. Cát biển bị sóng đẩy xô tràn ngập cửa hàng, nhà dân. Tổng thiệt hại ban đầu tại tỉnh Nghệ An là 518 tỷ đồng. Không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến TX Cửa Lò của những ngày bình yên, nhộn nhịp, sầm uất.

Tìm gặp lãnh đạo của phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt bão vừa qua. Đang tất tả, chạy ngược xuôi chỉ đạo cán bộ, nhân dân khắc phục hậu quả sau bão, ông Lê Thanh Giang, Chủ tịch phường Nghi Hòa gặp chúng tôi trên đường ven biển. “Địa bàn phường bị tổng thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, đủ các hạng mục bị ảnh hưởng, hư hỏng. Tôi đang chuẩn bị đến nhà hai người phụ nữ neo đơn trên địa bàn để kiểm tra tình hình. Những trường hợp này, gần như vô lực khi bão đi qua”, ông Giang cho biết thêm.

Chẳng có gì lạ lùng khi không khí nơi đây trầm thấp, không có tiếng nói cười, chỉ có sự khẩn trương, tất bật. Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Thược (SN 1971), nằm sâu trong ngõ hẻm khối Tân Diện, phường Nghi Hòa. Chị Thược còn mải mê quét dọn gạch ngói, không biết có sự hiện diện của chúng tôi. Ông Giang lên tiếng chào hỏi thăm, chị mới giật mình quay lại. Từ trong nhà cũng tiến ra, 4 người dân quân tự vệ được cắt cử đến để giúp đỡ chị sửa sang nhà cửa. Ngôi nhà 3 gian, cấp bốn không một mảnh ngói nào sót lại. Tấm pờ rô xi măng, tấm tôn lợp cũ kĩ cũng bị vỡ nát, cuộn tròn. Bờ tường bong tróc, nứt thành đường rõ rệt. Khuôn mặt bơ phờ của chị Thược trở nên già nua hơn.

Kể về hoàn cảnh của mình, chị Nguyễn Thị Thược cho biết, năm 2015, chồng chị bị bệnh ung thư phổi qua đời, để lại chị một mình nuôi hai con. Công việc không ổn định, chị thức khuya dậy sớm đến các tiệm thịt để mua lòng lợn rồi đem bán kiếm lời. Thu nhập bấp bênh, kinh tế gia đình rơi vào túng quẫn. Đứa con trai đầu lấy vợ và có một con nhỏ nhưng lại nghiện ngập nên chị quặn lòng gửi con vào trại giáo dưỡng. Đứa con thứ hai thương mẹ, vay mượn tiền xuất khẩu lao động tìm kế sinh nhai nơi đất khách quê người. Cuộc sống công nhân cũng không dành dụm được là bao. Chị Thược lại tần tảo cùng người con dâu, sáng sớm bán lòng lợn, kiếm sống qua ngày. Căn bệnh thoát vị đĩa đệm hành hạ bấy lâu khiến người góa phụ này thêm tiều tụy.

“Khoảng 10 giờ 15 phút, tôi đang chuẩn bị nấu ăn bởi lúc đó trời chưa mưa, có gió nhẹ nên hai mẹ con muốn ăn trưa sớm. Không ngờ nấu cơm xong thì nghe tiếng gió lùa rít gào cùng tiếng động lớn. Tôi chạy ra xem thì gian nhà trên, con dâu đang cho cháu nhỏ ăn bị tốc mái một khoảng lớn. Hoảng hốt, mẹ con, bà cháu chạy xuống nhà ngang để trú ẩn. Ngói, tấm fibro xi măng bị bão cuốn lên không bay lượn tứ tung.

Một giờ đồng sau, ngôi nhà không còn mảnh ngói nào, mưa lớn, ngôi nhà lại thành hồ chứa nước. Cháu nhỏ sợ quá, khóc thét lên. Bão tan, tôi phải điện cho em trai ở Hà Tĩnh sang sửa chữa một gian nhà cho mẹ con, bà cháu ngủ tạm. Chính quyền xã đến thăm hỏi và cắt cử người đến giúp đỡ mới ổn định hơn một ít. Giờ tôi không biết thế nào để xây lại ngôi nhà nữa”, chị Thược bàng hoàng kể lại.

Rời khỏi ngôi nhà của người góa phụ Nguyễn Thị Thược, tiếng thở dài thườn thượt của chị khiến ai cũng nhói lòng. Cách nhà chị Thượt khoảng 3km, là nhà của bà Lê Thị Sắc (SN 1957), nằm cuối khối Hải Bằng 2, phường Nghi Hòa. Tại đây, rất đông các lực lượng dân quân, an ninh đang giúp đỡ bà Sắc khắc phục hậu quả. Cũng giống như nhà chị Thượt, ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ của bà Sắc bị bão tàn phá nặng nề. Trong nhà không có một vật dụng gì đáng giá, chiếc ghế gỗ gãy chân, bàn xiêu vẹo, đứng trong nhà như đứng ngoài trời. Hoàn cảnh của của bà Sắc, có lẽ cả phường Nghi Hòa ai cũng biết, bởi đây là một trong những hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ nhất phường.

Cám cảnh những góa phụ chịu cảnh “màn trời chiếu đất” ảnh 1
Cám cảnh những góa phụ chịu cảnh “màn trời chiếu đất” ảnh 2

 Ngôi nhà của chị Thược bị bão tàn phá.

Bà Sắc sinh ra không được trọn vẹn như mọi người, từ tấm bé bà bị tật nguyền bẩm sinh, không thể đi lại. Bố mẹ mất đi, bà neo đơn, lầm lũi một mình trong ngôi nhà nhỏ hẹp. Qua ngày đoạn tháng, sống vật vã, thiếu thốn đủ bề. Cuộc sống của bà Sắc phải nhờ vào hỗ trợ của nhà nước. Mỗi tháng gói gọn trong tiền bảo trợ xã hội theo chế độ tàn tật là 540 nghìn đồng/tháng. Những khi ốm đau, người đàn bà đơn thân này càng thêm éo le. Sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như tình thương của anh em lối xóm, là điều duy nhất để bà sống hết phần đời còn lại.

Kể về giây phút bão số 10 vào, bà Sắc  không giấu nổi nỗi sợ hãi của mình. “Sáng ngày 15/9, tôi cùng với một đứa cháu qua chơi, ăn cơm sớm hơn thường lệ để chạy bão. Tôi nói với đứa cháu “mi gọi bố sang cõng bà với chứ bà không đi được”. Vừa sang nhà người họ hàng được khoảng 30 phút thì bão vào.

Trớ trêu thay, nhà chú ấy cũng bị bão phá, ngói bị bão cuốn hết. Hoảng sợ, chú ấy không dám để mọi người ở trong nhà nên ai cũng ra vườn rồi lấy mấy cái thúng, bảo bà cháu vào trong thúng để úp lại, phòng tình huống xấu xảy ra. Ngồi trong thúng mà tôi nghe rõ tiếng bão rú rắt, thét gào trên đầu. Tôi còn nghe rõ mồn một tiếng ngói bay, cây đổ. Đến khoảng 3 giờ thì chú ấy mở thúng cho bà cháu ra, nhìn nhà cửa ngổn ngang đống ngói vỡ.

Tôi được đưa về bên nhà xem tình hình thì thấy nhà mình tan hoang hết. Bão cuốn phá không còn thứ gì nguyên vẹn. Bộ đội, công an đến sửa lại cho gian nhà bếp ở tạm. Con xem đó, nhà giờ chẳng có gì...”, bà Sắc nhớ lại. Nói đoạn, bà lại lết vào gian nhà bếp chỉ cho chúng tôi xem gian nhà tạm mà bộ đội dựng lên. Người đàn bà đơn thân chịu bao thiệt thòi, thiếu thốn, cuộc sống của bà dường như dần lâm vào ngõ cụt.

Bầu trời thị xã Cửa Lò hôm nay quang đãng hơn, không có mây đen vần vũ, gió bão thét gào. Người dân nơi đây đang vươn mình đứng dậy sau siêu bão kinh hoàng. Số phận, cuộc sống của bà Sắc, chị Thược sẽ ra sao qua mỗi đợt bão vào. Những tấm thân gầy yếu ấy sẽ chống chịu được bao nhiêu đợt cuồng phong của thiên nhiên? Cần lắm sự chia sẻ của cộng đồng.

MỚI - NÓNG