Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Tắc do đâu?

Chung cư cũ ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội
Chung cư cũ ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Tổ phó Tổ chuyên gia nghiên cứu về cải tạo xây dựng mới chung cư trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, khó khăn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ là vướng về dân số. 

Đa số chung cư cũ cần cải tạo nằm trong nội đô thành phố. Yêu cầu đặt ra là phải giới hạn về dân số ở chung cư sau khi cải tạo. Ngoài ra, vấn đề đền bù với dân cũng đang là trở ngại.

 “Muốn làm phải có đồng thuận chính trị cao từ trên xuống dưới. Cơ bản là lại vẫn phải theo quy hoạch. Phải đảm bảo hài hòa lợi ích của dân và quản lý chung của thành phố”, ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thì nhấn mạnh: Hà Nội đang vướng trong khâu bố trí tạm cư trước khi tiến hành đầu tư. Vấn đề này liên quan đến câu chuyện uy tín các nhà đầu tư khi có nhiều trường hợp người dân không tin tưởng vào năng lực tài chính, năng lực làm việc của nhà đầu tư. Do đó, cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp và cần có sự vào cuộc, chung tay quyết liệt hơn từ bộ, ngành,  nhà khoa học, doanh nghiệp và chính các cư dân đang sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn.

Dưới góc độ chính sách pháp luật, Bộ Xây dựng vẫn đang lắng nghe tiếp thu ý kiến để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư và người dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam phân tích, cải tạo chung cũ có 2 vấn đề quan trọng nhất. Thứ nhất là hệ số đền bù để thỏa thuận với cư dân, nhất là tầng 1. Trong hệ số đền bù cho dân là bao nhiêu? Ở đây có điều bất hợp lý là nhà người dân không mất tiền xây dựng nhưng lại đòi đền bù gấp đôi, gấp 1,5 lần mới đồng ý. Việc này phải Quốc hội thông qua. Ngoài ra, trong hệ số đền bù, có những căn hộ quá bé chỉ có 12m2, 15m2. “Bây giờ dù có đền bù lên hệ số 2 thì vẫn chưa đủ theo quy định diện tích tối thiểu chung cư là 40m2. Từ diện tích đền bù lên đến diện tích tối thiểu theo quy chế ai sẽ trả tiền chênh lệch”, ông Hiệp băn khoăn.

Thứ hai, theo ông Hiệp, đa số số chung cư cũ nằm ở khu vực nội đô, chỉ tiêu quy hoạch phát triển hạ tầng phải đảm bảo không gây ra quá tải, ách tắc. Nhưng doanh nghiệp phải lãi 10% họ mới làm. “Giữa quy hoạch được duyệt và quy hoạch chủ đầu tư mong muốn có độ chênh. Thực tế này cần có cơ chế thế nào? Nếu tăng chiều cao chung cư sau tải tạo sẽ ách tắc cư dân. Nếu không cho tăng chiều cao phải cho chủ đầu tư đất chỗ khác để bù lại. Chính quyền phải vào cuộc với doanh nghiệp chứ không để một mình doanh nghiệp làm”, ông Hiệp nói.    

Chủ trương cải tạo chung cũ tại Hà Nội đã được Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội bàn thảo nhiều năm nay, song tiến độ đang rất chậm. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 1.580 chung cư cũ, trong đó phần lớn xuống cấp, hư hỏng nặng.

MỚI - NÓNG