Cái quần hoa và bằng chứng xã hội

Cái quần hoa và bằng chứng xã hội
TP - "Kể cả 50 triệu người cùng nói về thứ ngớ ngẩn nào đó, thì nó vẫn cứ là thứ ngớ ngẩn”. Khi dẫn lại câu nói này của văn hào nước Anh W. Somerset Maugham trong bài viết có cái tựa dài ngoằng kể trên, Rolf Dobelli muốn nói đến một thứ gọi là “Bằng chứng xã hội” (Social Proof). Theo cách hiểu là tâm lý bầy đàn.

Cây bút người Thụy Sĩ, và cũng là một doanh nhân này, không quên khuyến cáo, rằng chỉ có ngành quảng cáo, bán hàng là thu lợi  nhiều nhất từ sự yếu đuối của chúng ta trước bằng chứng xã hội.

Cứ nghĩ chỉ có ở thời nguyên thủy mông muội, con người mới phải dò dẫm bám đuôi nhau, bắt chước nhau để có thể tồn tại chứ nhỉ?

Như hôm nọ, mấy vạn người like câu đùa “đòi quần tỉ phú” trên facebook của một nghệ sĩ hài, tất nhiên không hẳn vì tâm lý đám đông. Mà rất nhiều trong số đó bày tỏ sự bức xúc trước trò những trò lố của số người thừa tiền “già không trót đời”. Nhưng chính họ lại sa vào cái bẫy bằng chứng xã hội, góp phần tích tụ thêm đám đông cho những thứ nhảm nhí đang tràn ngập thời nay. Và biết đâu chính tôi người viết bài này cũng đang sa vào cái bẫy ấy?!

Nhưng ở đây tôi không muốn nói đến cái quần hoa của một tỉ phú. Mà chỉ muốn bày tỏ sự bối rối thực sự. Rằng sự dẫn dắt của những quyền lực truyền thông xã hội và đám đông sẽ đưa chúng ta đến đâu? Họ có ý thức gì về điều đó? 

Cũng Dobelli nói về đám đông và quyền lực của người nổi tiếng. Một khi Bono, Kate Winslet, Mark Zuckerberg chụp ảnh đang xây nhà chim, làm sạch bãi biển loang lổ dầu, hoặc đào đất cứu các nạn nhân động đất, sức lay động cộng đồng sẽ vô cùng lớn. Tất nhiên quyền năng ấy không thuộc về những người mà ra đường thiên hạ không ai ngoái đầu lại nhìn mình.

Chiếc quần hoa của một đại gia, cũng như biết bao nhiêu trò lố của những hot boy, hot girl, và không ít nghệ sĩ nổi tiếng. Hàng ngày họ đang làm gì, trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội? Trên những kênh truyền hình giải trí được “xã hội hóa” bây giờ, đám đông tiếp cận được những gì, ngoài vô số trò câu khách nhiều khi kệch cỡm, lôi kéo đám đông vào những thứ vô bổ. Tiếng nói của những nhân vật nổi tiếng, những trí thức tinh hoa đâu rồi? Mang ý nghĩa lay động, thức tỉnh, góp phần hướng thiện, lành mạnh hóa xã hội, hướng nhân tâm vào những suy nghĩ tích cực và việc làm có ích.

Giờ thì xã hội có quá nhiều người trở nên “nổi tiếng” nhờ vào những trò lố, đánh vào tâm lý a dua bầy đàn của những đám đông nhàn rỗi. Và hệ quả tiếp nối là gì, không muốn bàn thêm nữa.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.