Cái lý nông dân ăn thịt

Cái lý nông dân ăn thịt
TP - Một tuần qua có không ít phát biểu, kiến giải rất sốc xung quanh giá thịt lợn.

> Mất kiểm soát thịt lợn?

Trong khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng so sánh “thịt lợn tăng giá còn nhanh hơn giá vàng” thì ông Nguyễn Đăng Vang- Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, nguyên Cục trưởng Cục Chăn, nuôi nhận định: Nông dân ngày càng ăn nhiều thịt!

Cứ theo logic mà suy, hẳn nhiên nhiều người nghĩ rằng cuộc sống nông dân đang trở nên sung túc bất chấp lạm phát. Phải chăng nông dân đang đổi đời đến mức, từ công chức đến công nhân khu công nghiệp còn đang than phiền bữa cơm ngày càng teo tóp do đà tăng thực phẩm, thì họ lại ăn nhiều thịt. Mà thịt lại tăng nhanh như giá vàng?

Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nếu thấy sản phẩm của mình làm ra được giá, với cái tính cách tiết kiệm, căn cơ ấy, không có bao nhiêu gia đình nông dân dám ăn nhiều thịt. Ngược lại, có khi phải nhịn ăn đem bán, phòng lúc đói kém, cơ hàn.

Đó là nói về cái lý, thực tế cứ nhìn vào 3 đợt thi đại học, cao đẳng vừa rồi, còn đấy hình ảnh nông dân đùm đùm, nắm nắm đưa con đi thi sau khi gom góp được chút tiền từ bán lợn gà, thóc lúa. Có muốn ăn ngon, ăn nhiều hãy đợi đến Tết, chứ chả mấy ai dám “ăn trôi cả nhà” dịp này.

Trước việc thịt lợn tăng giá, một số nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đăng đàn cho rằng, do thương lái Trung Quốc đang thu mua mạnh khiến thị trường trong nước khan hiếm. Tuy nhiên, hôm 19-7, quyền Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm lại cho biết, hiện mỗi ngày có 25 tấn thịt lợn nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Lạng Sơn. Nhìn vào đây, người nông dân phải tự hỏi điều gì đang diễn ra xung quanh con lợn của họ đằng sau những thông tin đá nhau chan chát.

Trước thông tin nhiễu loạn và khả năng dự báo thị trường yếu kém của nhà quản lý, điệp khúc “trồng- chặt” trong nông nghiệp có thể tái diễn với chăn nuôi: nuôi hay bỏ. Sự thực liệu có như lời cảnh báo của ông Nguyễn Đăng Vang và một số chuyên gia, rằng đằng sau việc tăng giá thịt lợn bất thường vừa qua có sự chi phối, thậm chí lũng đoạn thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài? Câu hỏi này cần sớm có trả lời.

Sự lần khân, đá qua đá lại trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý trước biến động bất thường của thị trường có thể đem đến thất bát cho người nông dân vốn tư duy, sản xuất theo vụ mùa.

Một đất nước nông nghiệp mà thịt lợn khan hiếm, phải nhập khẩu (hay để nhập lậu?) quả là một điều khó chấp nhận. Tuy nhiên, thực tế đã có khá nhiều điều bất thường trở thành… bình thường một cách đáng ngạc nhiên, như việc nhập khẩu muối, rồi tới đây là than đá… Tựu trung đều do phương cách quản lý, tầm nhìn kế hoạch và khả năng dự báo của các cơ quan quản lý.

Khả năng dự báo thị trường yếu kém cũng vừa được Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia khuyến cáo (xem báo Tiền Phong ngày 20- 7). Trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, ông Kiêm cho rằng, Quốc hội cần phải đổi mới hoạt động giám sát để giúp Chính phủ, các cơ quan nhà nước nâng cao khả năng dự báo trước biến động của nền kinh tế cũng như thị trường. Đây chắc chắn cũng là sự kỳ vọng lớn lao của người nông dân gửi gắm các đại biểu Quốc hội khóa mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG