Cái giá của công chức

Cái giá của công chức
TP - Tiêu cực thi tuyển công chức tại Hà Nội được đẩy lên thành “chuyện lớn” khi ông Trần Trọng Dực, Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội công bố “chạy công chức hết 100 triệu đồng” tại nghị trường của kỳ họp HĐND thành phố.

> Tuyển công chức dễ tiêu cực phần thi vấn đáp
> Công chức sắp bị cấm uống rượu bia vào buổi trưa
> 'Vi phạm không thể chối cãi' vụ tiêu cực thi công chức

Người dân không khỏi đồn đoán trước thông tin này. Nhưng không phải đợi lâu, phát ngôn ấy phần nào có căn cứ trên thực tế khi mới đây Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Nguyễn Quyết Chiến khẳng định “ vi phạm không thể chối cãi trong thi tuyển công chức” tại huyện này.

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khi được hỏi về vụ việc đã nói: “Việc thi tuyển cán bộ, giáo viên cho ngành giáo dục đã được phân cấp cho các quận, huyện tự tổ chức thi và huyện phải chịu trách nhiệm”.

Cách phát ngôn đó dường như thiếu đi tinh thần cộng đồng trách nhiệm để cùng tháo gỡ “bất cập”? Còn đại diện Sở Nội vụ lại cho rằng “cái gốc là phải có sự quan tâm cải thiện thu nhập cho cán bộ công chức. Mức lương hiện nay quá thấp so với trách nhiệm và lao động của cán bộ công chức”.

Phát ngôn này nên hiểu thế nào cho đúng? Trong trường hợp sai phạm tại Ứng Hoà, vì lương thấp nên công chức mới “giúp đỡ” người khác vào công chức để cải thiện thu nhập? Nhưng dư luận sẽ đặt ngược lại, công chức lương thấp sao giá cao vậy (100 triệu)?

Nhìn vào cách trả lời của những người có trách nhiệm, dư luận không thấy rõ trách nhiệm của ai, của đơn vị nào trong việc để xảy ra sai phạm cũng như phương hướng khắc phục những tồn tại đó!

Có những năm Hà Nội tuyển đến 20.000 công chức thông qua thi tuyển. Liệu có bao nhiêu trong số đó trở thành công chức nhờ có sự “giúp đỡ”? Việc thi tuyển là bình đẳng cho tất cả những người có đủ tài đức, có nguyện vọng được vào làm việc trong bộ máy công quyền. Và theo ý nghĩa tốt đẹp, bộ máy chính quyền sẽ có những công bộc đủ phẩm chất và năng lực cống hiến cho đất nước.

Tuy nhiên, mục tiêu này đã bị lạm dụng thành nơi để ai đó “giúp đỡ”, “ban ơn” và thậm chí là “mua bán”. Cơ hội cống hiến cho đất nước bị đóng lại đối với không ít người tài nếu chính sách thi tuyển bị trục lợi. Bộ máy công quyền khó có thể mạnh khi có những công chức đi lên từ chạy chọt.

Niềm tin của xã hội vào công lý - công bằng bị tổn thương trầm trọng. Động lực vươn lên của không ít người bị triệt tiêu. Cái giá của công chức không thể chỉ đong đếm được bằng trăm, bằng triệu!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.