Dùng lá tươi, hoặc đã phơi khô trong mát (âm can) không phơi nắng (làm mất tinh dầu thơm). Xin giới thiệu một số phương thuốc có thể chọn lựa áp dụng khi cần thiết.
Chữa ho ở trẻ em
Rau cải cúc 6g (thái nhỏ), cho vào một chút mật ong đem hấp cơm, gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
Chữa chứng ho dai dẳng ở người lớn do lạnh
Rau cải cúc 100 - 150g, phổi lợn 200g thái thành miếng, dùng nấu thành canh ăn cả cái lẫn nước cùng bữa cơm, ăn trong 3 - 4 ngày là 1 liệu trình.
Chữa tỳ vị hàn
Dạ dày ruột trong tình trạng lạnh, đi ngoài lỏng hoặc tiêu chảy, thì dùng 200g cải cúc nấu canh ăn để giúp làm ôn ấm tỳ vị. Ăn liên tục 3 - 5 ngày.
Chữa ho đờm
nhức đầu, chóng mặt buồn nôn do tiêu hóa kém, suy nhược, hay lạnh...: Lấy 1/2kg cải cúc, một đầu cá mè to, một ít gừng tươi, một ít rượu, và gia vị. Đầu cá mè rửa sạch, rán cho vàng thơm, cho gừng vào đảo đều rồi tưới rượu lên và lượng nước vừa đủ hầm chín. Cho cải cúc vào nấu đến sôi, nêm nếm gia vị vừa đủ.
Bổ tỳ, trị hoa mắt, lợi tiểu
Lấy 200g cải cúc, một con cá diếc độ 1/2 kg, một ít rượu, dầu ăn, và các gia vị vừa đủ. Cá diếc làm sạch, bỏ vảy, đem rán vàng, rồi cho rượu vào đảo qua, cho gừng, nước vào tiếp, nấu với lửa nhỏ cho cá chín thì cho cải cúc vào và nấu đến sôi lại, nêm nếm gia vị. 10 ngày là một liệu trình.
Canh cải cúc cá diếc
Thích hợp sử dụng cho người cao tuổi hoặc trẻ em ăn không tiêu, tiểu tiện ít, mệt mỏi. Nhờ tác dụng của món là bổ tỳ khai vị, trừ đàm thấp, hòa trung, kiện vị, lợi tiểu, làm khỏi ho đờm, gan nóng, hoa mắt, chóng mặt: Lấy cá dếc 500g, cải cúc 150g, rượu, dầu vừng, tiêu, muối vừa đủ. Rán vàng hai mặt cá cho ít rượu vào đảo sơ, cho gừng, sau cho chút nước đun sôi hạ lửa nhỏ đun tiếp cho nhừ cá, rồi cho rau cải cúc vào đun to lửa cho sôi nhào là được. Có điều kiện nên ăn một thời gian 10 - 15 ngày là một liệu trình.
Theo BS. Lê Hoài Nam