Cái chết thật từ thế giới ảo

TP - Mới đây, một phụ huynh đã chia sẻ câu chuyện con trai bị một hội nhóm xúi giục tự tử để được “tái sinh”, “xuyên không” sang thể giới khác, đã gây hoang mang cho cộng đồng mạng, đặc biệt là với các bậc phụ huynh. Câu chuyện này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những cái chết thật có thể đến từ thế giới ảo.

Bóng đen trên thế giới ảo

Theo chia sẻ của người mẹ, cậu con trai đang học cấp 2 của mình vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, có năng lực vượt trội. Bản thân chị cũng là người mẹ yêu thương và gần gũi con. “Không biết từ lúc nào, con bắt đầu thích, quan tâm đặc biệt đến một nhóm cosplay (nhóm những người thích hóa trang, nhập vai các nhân vật hoạt hình, truyện tranh - PV), nhóm này chủ yếu thích bộ truyện Isekai của Nhật Bản. Con đòi tham gia, mất nhiều thời gian để chat với nhóm. Tôi thấy không yên tâm nên nhắc nhở và con đã có thái độ phản kháng, ngày càng theo chiều hướng tiêu cực. Con thường xuyên liên lạc với nhóm cosplay qua Messenger, Zalo. Rồi một buổi chiều tối, tôi kêu con ăn cơm, con viện cớ học bài ăn trễ. Mang cơm lên phòng cho con nhưng tôi linh tính khi thấy phòng con quá yên lặng, gọi nhưng không thấy con trả lời nên kiểm tra. Lúc sau thì thấy con đã thắt cổ trên cầu thang...”, chị kể.

Con trai chị may mắn được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, hôn mê gần 20 ngày. Trong lúc con hôn mê, người mẹ dù đau đớn nhưng vẫn tìm kiếm đọc các đoạn chat của con với nhóm cosplay trên, chị phát hiện nhiều sự nguy hiểm về nhóm chat của con. “Hội nhóm đó có nhiều học sinh, sinh viên, kể cả người trưởng thành đi làm. Nhóm này đam mê một dòng truyện tranh của Nhật Bản tên là Isekai. Và vấn đề là hội nhóm đã biến câu chuyện viễn tưởng Isekai thành chuyện đời thật. Hội nhóm được dẫn dắt với những nội dung rất tiêu cực: kích động các bạn nhỏ chống lại cha mẹ, trách móc thầy cô, đổ lỗi cho cả thế giới; hướng dẫn cách phản ứng tiêu cực như bỏ ăn, nhịn ăn, bỏ học, bỏ nhà đi bụi, hủy hoại bản thân. Nguy hiểm hơn, còn hướng dẫn cặn kẽ cách thức tự tử, thậm chí gửi video clip để xem và thực hành cho chuẩn… Khi con tôi hồi tỉnh, mở mắt ra, con không hề ăn năn xin lỗi mẹ mà điều đầu tiên muốn làm là lấy điện thoại liên lạc với hội nhóm”, người mẹ bức xúc thuật lại.

Đọc những tin nhắn của một học sinh cấp 3 gửi cho đứa con trai đang học cấp 2 vừa may mắn sống sót sau vụ tự tử bất thành khiến chị rùng mình: “- Cược thì cược nhẹ nhẹ thôi, chơi cái trò Isekai… Mà ở thế giới bên kia có gì không? Isekai phê không?”, “- Người lớn nó bàn (vụ tự tử) kinh kìa!”, “- Làm tốt lắm em trai!”…

Isekai hay “Dị thế giới” là một thể loại truyện tranh, phim hoạt hình và video game kỳ ảo của Nhật Bản, xoay quanh câu chuyện một người bình thường được “xuyên không” đưa đến hoặc bị mắc kẹt trong một “vũ trụ song song”. Nôm na, với những bạn trẻ cuồng thể loại này, Isekai được xem như là cuộc trốn chạy khỏi thực tại tẻ nhạt, tầm thường để trở thành một cuộc đời phi thường, nhiệm màu… như trong phim hoạt hình hay truyện tranh.

Thông qua câu chuyện của mình, người mẹ muốn cảnh tỉnh mọi người trước những chiêu bài của một số hội, nhóm lôi kéo con trẻ. Bài đăng đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Hầu hết đều là của những phụ huynh đang có con nhỏ đang ở tuổi “ẩm ương”, khó bảo. “Đọc mà bủn rủn chân tay, mạng xã hội và internet đúng là con dao hai lưỡi”, tài khoản Phạm Hương bình luận. “Giờ nuôi con khổ trăm bề, xã hội tiến bộ thì con cái mình càng phải cẩn trọng hơn, nhất là thế giới riêng của tụi nhỏ, có quá nhiều cách để những tư tưởng xấu len lỏi và thâm nhập”, chị Hoàng Anh Trần chia sẻ.

Cần tăng sự kết nối và đồng cảm cùng con

Cái chết thật từ thế giới ảo ảnh 1

Nhiều fan cuồng của Isekai tin rằng có thể tìm đến cái chết để thoát khỏi thực tại, “tái sinh” ở “vũ trụ song song” như các nhân vật trong phim hoạt hình, truyện tranh

TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Bộ môn Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Theo số liệu của một vài nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Tuy những con số ở trên chưa phải là nghiên cứu diện rộng mà chỉ trên nhóm nhỏ, nhưng cũng đủ khiến nhiều người giật mình. Nhất là thời gian qua, rất nhiều vụ việc trẻ em tự tìm đến cái chết một cách thương tâm, gây rúng động xã hội.

Ngoài các nguyên do như: bệnh lý tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn nhân cách, trầm cảm vì chuyện gia đình, tình yêu, bạn bè, bị lạm dụng tình dục... thì xã hội hiện đại đã đem đến những nguy cơ khác như sự tràn lan của các hội nhóm tiêu cực, các video độc hại trên youtube hướng dẫn cách tự tử… khiến trẻ bị dẫn dắt và bị nhiễm những suy nghĩ lệch lạc về cái chết.

Cái chết thật từ thế giới ảo ảnh 2

Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương

Theo một số chuyên gia tâm lý, bản thân Isekai hay cosplay, truyện tranh, phim hoạt hình… đều không xấu, nhưng những kẻ xấu đã lợi dụng niềm đam mê của con trẻ để gây tác động xấu, từ đó dẫn dụ các em tự hủy hoại bản thân. “Trẻ em có suy nghĩ và tâm trạng khác với người lớn do tâm lý, tầm nhìn và sự kiểm soát cảm xúc chưa đủ chín. Khi người lớn thiếu hiểu biết về trẻ em, họ sẽ dễ dàng khiến trẻ bị tổn thương. Do vậy, trẻ sẽ tìm cách khép kín tâm tư, giữ kín bí mật để cha mẹ, thầy cô không quát mắng. Với những kẻ hiểu biết về tâm sinh lý trẻ tuổi dậy thì sẽ là lợi thế cho họ trong việc chiếm lòng tin của trẻ”, Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương lý giải.

Cũng theo chuyên gia, lứa tuổi học sinh, sinh viên là giai đoạn tương tác nhiều với bạn bè trang lứa, tạo các hội, nhóm. Do đó, trẻ thường tin vào bạn bè hơn là cha mẹ hay thầy cô. Chưa kể, tâm lý của một số bạn trẻ thế hệ gen Z rất phức tạp, dễ bị đám đông lôi kéo, có xu hướng muốn tách mình ra khỏi sự kềm cặp của cha mẹ, người lớn xung quanh.

“Để trẻ không bị ảnh hưởng quá nhiều ở không gian ảo, cha mẹ cần cho con một thế giới thực nhiều màu sắc, hấp dẫn. Việc dành thời gian để làm đẹp hơn cuộc sống của con sẽ giúp cho mẹ và con có thêm sự kết nối và đồng cảm. Ở châu Âu và một số quốc gia có nền văn hóa phát triển lâu đời, họ nhận thức được sự tàn phá của thế giới ảo. Vì thế, ở nhiều nơi, sóng 3G, 4G không hiện hữu, các máy tính chỉ sử dụng được một số dịch vụ cố định nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của thế giới ảo”, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An lại cho rằng cha mẹ không nên cấm đoán hay cho mình quyền phủ quyết lên con trẻ, bởi điều này sẽ khiến con ngày càng đi xa hơn, muốn giấu diếm. Điều cần làm là phụ huynh phải lắng nghe, dành thời gian quan sát, tìm hiểu những mối quan hệ của con trong đời thực và cả trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nâng cao công tác kiểm tra, giám sát nội dung đăng tải trên mạng xã hội, đồng thời có phương án xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên nhằm tạo tính răn đe, góp phần đẩy lùi hiện trạng tiêu cực này. Ở câu chuyện phía trên, thật may khi người mẹ đã phát hiện kịp thời và cứu sống con trai. Nhưng bóng đen của thế giới ảo vẫn còn bủa vây con trẻ và không phải người mẹ nào cũng sẽ may mắn như chị.

Tin liên quan