Cách nào để cư dân 'biệt thự triệu đô' Hà Nội vượt mưa lũ?

TPO - Để xóa bỏ “rốn ngập” tại khu đô thị (KĐT) Lê Trọng Tấn (huyện Hoài Đức), phương án hiệu quả nhất được đưa ra là đặt trạm bơm cưỡng bức, đủ công suất tại kênh đấu nối ra sông Cầu Ngà. Tuy nhiên, để thực hiện được phương án này, cần có sự vào cuộc của các sở, ngành, quận, huyện liên quan.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc BQL Dự án KĐT mới Lê Trọng Tấn Geleximco cho biết, từ năm 2016 đến nay cứ đến mùa mưa bão lại xảy ra tình trạng ngập tại nút giao đường Lê Trọng Tấn với đường gom đại lộ Thăng Long, trong đó khu A KĐT Lê Trọng Tấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân do trước đây nước mưa được điều hòa xung quanh, đến khi các KĐT mới lân cận hoàn thành do chênh lệch cốt nền, nước mưa chảy về khu A KĐT Lê Trọng Tấn và dồn ra kênh đất Liên tỉnh, đổ ra sông Cầu Ngà. Tuy nhiên, lượng nước lớn khiến lượng nước thoát đi rất chậm. Nhất là khi nước sông Cầu Ngà cao thì nước không thoát đi đâu được.

Tháng 5/2017, đơn vị đã xây dựng trạm bơm tiêu úng với 3 máy tổng công suất 4.500m3/h đặt tại phần tiếp giáp với kênh đất Liên tỉnh. Tuy nhiên, phương án này sẽ không tác dụng khi nước sông Cầu Ngà lên cao.

Cách nào để cư dân 'biệt thự triệu đô' Hà Nội vượt mưa lũ? ảnh 1  Từ năm 2016, khu A KĐT Lê Trọng Tấn thường xuyên bị ngập nặng. Lý do là cốt nền của KĐT này bằng đường Lê Trọng Tấn, nhưng lại thấp hơn tất cả các KĐT xây dựng sau này.

Đại diện CĐT KĐT Nam An Khánh (SUDICO) cho biết thêm, điểm ngập úng ngã 3 đường Lê Trọng Tấn – đại lộ Thăng Long cũng khiến cho hàng nghìn cư dân tại KĐT Nam An Khánh bị ảnh hưởng. Đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nạo vét các kênh tiêu nước nhưng không mang lại hiệu quả cao. “Nếu không có giải pháp lâu dài thì người dân vẫn phải sống chung với lũ mỗi khi mưa to”, vị này cho hay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức nhìn nhận, hiện nay các KĐT mới xung quanh như: KĐT Bảo Sơn; khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco, khu đường gom Láng - Hòa Lạc,... mỗi khi mưa xuống nước đều đổ dồn không tiêu thoát kịp nên xảy ra ngập úng nghiêm trọng.

Việc ngập lụt ở đây không phải do CĐT làm sai quy hoạch. Thực tế, KĐT Nam An Khánh vẫn còn một hồ điều hòa chưa làm nhưng thực ra hồ điều hòa cách xa điểm ngập. Hơn nữa, hồ điều hòa nằm ở thượng lưu, hướng chảy đang chảy từ hồ điều hòa xuống điểm ngập nên hầu như không có tác dụng thoát nước cho khu vực. “Sau khi rà soát toàn bộ quy hoạch, chỉ có giải pháp xây dựng lắp máy bơm cưỡng bức mới có thể thoát nước lâu dài cho khu vực này”, ông Trường nhận định.

Lãnh đạo huyện lý giải, thoát nước ở KĐT Lê Trọng Tấn có 3 hướng: Một là đi xuống An Thượng qua kênh S0; Hai là qua kênh T3 qua Chùa Tổng; Thứ ba là qua kênh Đồng Tép và kênh Liên tỉnh rồi đổ ra sông Cầu Ngà. Đối với hướng đầu tiên qua kênh S0 đã được huyện phối hợp nạo vét thường xuyên, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, hiện trạng lòng mương nhỏ hẹp, sau khi khơi thông chỉ giúp tiêu thoát được khoảng 20% lượng nước mưa.

Cách nào để cư dân 'biệt thự triệu đô' Hà Nội vượt mưa lũ? ảnh 2 Phương án hút nước qua kênh Đồng Tép và kênh Liên tỉnh rồi đổ ra sông Cầu Ngà được cho là tối ưu nhất, giải quyết được "rốn ngập". Vị trí đặt máy bơm là điểm màu cam trên bản đồ.

Với hướng thoát nước qua Chùa Tổng, Thành phố đã có chủ trương nạo vét cuối tuyến. Tuy nhiên, đường thoát đi qua KĐT gặp vấn đề vì cốt ống cao hơn cả ống thượng lưu lẫn hạ lưu. Ngoài ra, sau khi đi kiểm tra, nhiều đoạn vỡ nắp, cát sỏi tràn xuống, gây tắc nghẽn ống cống. Một điểm hạn chế nữa của ống cống này là đi lòng vòng, qua nhiều kênh cũ dân sinh, nên khả năng thoát nước không cao.

Phương án thoát nước qua kênh Đồng Tép và kênh Liên tỉnh đang được đánh giá là hiệu quả nhất. “Nếu đặt được trạm bơm cưỡng bức, đủ công suất vào đó thì là phương án tối ưu, sẽ xóa bỏ được điểm đen úng ngập. Tuy nhiên để thực hiện được phương án này cần sự phối hợp của các sở ngành tham mưu cho thành phố xem xét. Bởi còn liên quan dến quy hoạch trạm bơm tiêu trên địa bàn”, ông Trường nói. Theo các chuyên gia, chỉ cần một trạm bơm 5 máy công suất 10.000m3/giờ là có thể giải quyết cơ bản úng ngập cho khu vực này. Khoản đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng trạm bơm để hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng này cần sớm được triển khai thực hiện.

Đồng tình với phương án đặt trạm bơm công suất lớn, đại diện Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài cho biết, mặc dù hệ thống thoát nước đã được bàn giao cho Xí nghiệp thoát nước số 6 (Cty TNHH MTV thoát nước Hà Nội), Xí nghiệp thủy lợi Đan Hoài vẫn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để giải quyết ngập lụt tại KĐT trên. Theo kinh nghiệm của đơn vị lâu năm khảo sát về các kênh, mương thoát nước tại đây, đại diện Xí nghiệp cũng khẳng định: “Chỉ có đặt máy bơm thoát nước qua kênh Đồng Tép và kênh Liên Tỉnh, đóng cửa phai và bơm cưỡng bức ra sông thì mới thoát ngập được cho KĐT Geleximco”.

MỚI - NÓNG