Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam
TPO - “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.”, tiến sĩ (TS) Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán nhà nước cho hay.

Ngày 15/11, tại Hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức đối với Kiểm toán viên nhà nước”, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết: "Đến nay, chúng ta đang bước sang cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là một cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên nền internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số”, Tổng KTNN cho hay.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có những tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại, tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Các tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn. Tác động trực tiếp mạnh mẽ đến các ngành, các lĩnh vực với tốc độ công nghệ đột phá chưa từng có trong lịch sử, thu hẹp ranh giới giữa dịch vụ, công nghệ và nông nghiệp; thậm chí tác động đến từng gia đình, từng thành viên trong xã hội.

Theo Tổng kiểm toán, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội nước ta.

Việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất, tác động tích cực đến tăng trưởng dài hạn.

Bên cạnh đó, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn nếu không chủ động đi đúng hướng, không bắt đúng nhịp, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.

Vì vậy, theo ông Hồ Đức Phớc, chủ động nắm cơ hội vượt lên thách thức là trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị. “Kiểm toán Nhà nước cần và thực hiện chiến lược, kế hoạch phù hợp, phải chủ động xây dựng cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt là việc nâng cao năng lực hoạt động kiểm toán, áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại, công cụ CNTT tiện ích tối ưu, kỹ năng mới, phương tiện thiết bị hiện đại để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Tổng KTNN lưu ý.

MỚI - NÓNG