Cách biến điểm yếu thành thế mạnh
> 'Lực học tốt, thi Sư phạm... quá phí'
> Lượng sức để chọn ngành phù hợp
“Từ một người nhút nhát, rụt rè, nhưng vẫn có thể làm những công việc tiếp xúc với đám đông, vẫn có thể thành công trong cuộc sống nếu biết vượt qua điểm yếu của mình”.
Mặc dù chương trình diễn ra vào thứ sáu, nhưng Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận nhận thấy tầm quan trọng trong công tác hướng nghiệp nên đã cho học sinh nghỉ để tham gia chương trình. Ảnh: Đào Ngọc Thạch. |
Thiếu tự tin thì học ngành nào?
Không giơ tay xin hỏi trực tiếp, một HS (giấu tên) Trường THPT Chu Văn An gửi giấy lên ban tư vấn, chia sẻ: “Em là người rất nhút nhát, hay run khi đứng trước đông người. Nhưng em lại mong muốn học một ngành nào để sau này đi làm có thể tiếp xúc được với nhiều người. Vậy em phải làm thế nào để loại bỏ tính nhút nhát và có thể học tốt nghề đó?”.
Tiến sĩ Trần Thanh Long, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, lý giải: “Tính nhút nhát xuất phát từ sự ít tiếp xúc hoặc sự hiểu biết về một vấn đề nào đó còn hạn chế. Có một môi trường rất tốt cải thiện được tính này, đó là các em cần tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ để tăng cường giao lưu, hoạt động, học hỏi”. Còn thạc sĩ La Hoàng Dũng, Trường ĐH Sài Gòn, thì khuyên rằng: “Có rất nhiều ngành học giúp các em khắc phục được tính nhút nhát, thiếu tự tin để sau này có thể đứng trước đám đông nói chuyện hoặc giao tiếp với nhiều người, chẳng hạn ngành sư phạm, tâm lý...
Trong quá trình học, các em sẽ được học cách điều khiển tâm lý của mình trước đám đông, cách giao tiếp, cách trò chuyện thuyết phục”. Trong khi đó, chuyên gia Châu Minh Quí, Trường ĐH Tài chính - Marketing, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: “Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi cũng rất nhút nhát. Tôi đã xung phong làm lớp trưởng suốt thời phổ thông để có cơ hội trình bày, trò chuyện trước lớp, tiếp xúc với các thầy cô, phụ huynh để rèn luyện sự tự tin. Nhờ vậy mà bây giờ tôi có thể nói chuyện với các em mà không bị run”.
Chuyên gia Châu Minh Quí tư vấn thêm nghề marketing cũng cần tiếp xúc nhiều với khách hàng, giao tiếp nhiều, đòi hỏi kỹ năng thuyết phục đối tác. Ngoài ra, còn có các ngành khác như kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh...
Nhiều cơ hội việc làm tại nhà máy điện hạt nhân
Có mặt tại buổi tư vấn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó ban Quản lý dự án Nhà máy điện hạt nhân, cho biết: “Trong giai đoạn tới, từ năm 2014 - 2020, Nhà máy điện hạt nhân cần 2.200 lao động, trong đó 40% thuộc các ngành điện hạt nhân như bức xạ, hóa trị, phóng xạ, an toàn hạt nhân, vật lý nguyên tử... Còn lại là các ngành điện tử, hóa, cơ khí, viễn thông... Chúng tôi cần 43% nhân lực trình độ ĐH và trên ĐH, còn lại là bậc CĐ, CĐ nghề và TC, TC nghề, riêng trình độ CĐ nghề chiếm khoảng 43%”. Ông Hùng cho biết thêm hiện đã có 199 sinh viên Việt Nam được cử đi học ở Nga trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có 46 sinh viên của tỉnh Ninh Thuận cam kết sẽ về làm việc tại 2 nhà máy điện hạt nhân ở quê nhà.
Không chỉ vậy, Ninh Thuận là tỉnh có thế mạnh về dịch vụ, du lịch và hiện đang cần thu hút nhiều nhân lực để phát triển. Đây cũng chính là thắc mắc của Yến Trang, HS Trường THPT Chu Văn An: “Em mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc đẩy mạnh du lịch tại quê hương, vậy em nên chọn học ngành nào?”. Thạc sĩ Võ Phúc Anh Duy, Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận, tư vấn: “Em có thể học ngành tiếng Anh chuyên ngành du lịch ở bậc CĐ (xét tuyển khối A1, D1) hoặc ngành du lịch lữ hành bậc trung cấp. Ngoài ra, còn nhiều ngành khác ở các trường có đào tạo như quản trị nhà hàng, khách sạn, quản trị kinh doanh...”.
Nói về việc chọn ngành, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhấn mạnh: “Giữa rất nhiều ý kiến, lời khuyên từ các thầy cô, bố mẹ, bạn bè, các em rất dễ bị mông lung, mất phương hướng. Điều cần thiết là các em phải nhận biết được thế mạnh, điểm yếu của bản thân để tự quyết định ngành học cho mình. Sau đó, tập trung ôn luyện trong cả một quá trình, ổn định tâm lý và sức khỏe trước khi bước vào kỳ thi”. Thạc sĩ Vũ không quên dặn HS đến sát ngày thi không nên thức đêm để học, cần đến địa điểm thi trước một ngày theo quy định để nghe cán bộ coi thi phổ biến quy chế, tránh bị thiệt thòi trong lúc dự thi...
Trong khuôn khổ của chương trình, lúc 14 giờ ngày 9-3 sẽ diễn ra chương trình “Mỗi lớp một chuyên gia” tại trường THPT Bùi Thị Xuân và THPT Trần Phú. Ngày 10-3 cũng vào 14 giờ chương trình diễn ra tại Trường THPT Di Linh.
Theo Thanh Niên