Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ứng phó bão số 9

TPO - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Cấm tàu thuyền ra khơi, cho học sinh nghỉ học

Tại tỉnh Tiền Giang, tối 23/11, Trạm kiểm soát Biên phòng Vàm Láng, Đồn Biên phòng Kiểng Phước đã tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão, thực hiện lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền xuất bến kể từ 16h ngày 23/11 cho đến khi có lệnh mới.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang, trên địa bàn có tổng số 966 tàu với 6.041 người hành nghề đánh bắt trên biển. Sáng ngày 24/11 đã liên hệ được 541 tàu/3.905 ngư dân đang neo đậu ở khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo vào khu vực nhà giàn.

Còn tại Bến Tre, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã thông báo thực hiện việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 17 giờ ngày 23/11 cho đến khi có thông báo mới.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền.

Bố trí lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, tránh để xảy ra cháy nổ, mất cắp tại các khu neo đậu gây thiệt hại về tài sản. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ứng phó bão số 9 ảnh 1 Tàu thuyền đã được kêu gọi về nơi neo đậu an toàn tại tỉnh Tiền Giang.

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường cho học sinh các cấp, sinh viên được nghỉ học kể từ 13 giờ ngày 24/11 cho đến khi có thông báo mới.

Tại Trà Vinh, Sở NN&PTNN tỉnh này cho biết đã tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin, diễn biến của bão. Kiểm đếm tàu thuyền, giữ liên lạc với các tàu đang hoạt động trên biển, hướng các tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão, không để tàu thuyền tiếp tục ra khơi.

Lực lượng Bộ đội biên phòng thường xuyên rà soát, sắp xếp neo đậu, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, ứng phó với mọi tình huống.

Tỉnh Trà Vinh có 1.216 tàu cá với 4.864 ngư dân, số tàu đang hoạt động trên biển là 106/446 ngư dân, số còn lại neo đậu tại bến. Hiện lực lượng chức năng đã liên lạc với tất cả các tàu đang hoạt động trên biển.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ứng phó bão số 9 ảnh 2 Trạm kiểm soát Biên phòng Vàm Láng, Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Tiền Giang) bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão.

Đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản

Để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại do bão gây ra, ngày Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố, nhất là các huyện Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri và huyện Thạnh Phú không được chủ quan.

Phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu; chủ động rà soát kế hoạch, phương án ứng phó bão cho phù hợp với tình hình thực tế; chuẩn bị sẵn sàng các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi bão ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24  giờ (từ ngày 23/11/2018 đến khi có bản tin cuối cùng về cơn bão số 9) để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Bố trí lãnh đạo trong các ca trực để kịp thời chỉ đạo, điều hành công tác phòng tránh, ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.

Tỉnh Trà Vinh tổ chức rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, công trình đê biển, kè biển, các công trình công cộng ven biển để có hướng xử lí kịp thời, sẵn sàng các phương án hộ đê.

Rà soát, kiểm tra hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trường học các công trình công cộng, chuẩn bị các phương án di dời, sơ tán dân, đặc biệt đối với khu vực ven biển, ven sông và cù lao.

Tại Cần Thơ, UBND thành phố cũng đã có công văn yêu cầu các sở ngành, địa phương chủ động các biện pháp ứng phó bão số 9, đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện không đi khỏi địa bàn vào ngày thứ Bảy (24/11/2018) và Chủ Nhật (25/11/2018).

Theo dõi sát diễn biến bão số 9, chuẩn bị phương án bảo vệ dân và tài sản ở cấp độ bị ảnh hưởng theo phương châm “Bốn tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, bão số 9 đang có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam. Hồi 7 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết 190km, cách Vũng Tàu khoảng 240km, cách Bến Tre 300km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 -10 (75 – 100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15km. Đến 19 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 – 10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

MỚI - NÓNG