Các ông Táo VTV lâu nay đãi bàn dân tiên hạ “món” cười, ai cũng rõ điều đó. Tôi nghĩ chuyện các Táo nghỉ chơi mùa này chẳng phải do ai cấm cản, vì lý do những tràng cười “xóc óc”, không hề dễ chịu chút nào với quan chức nhiều bộ ngành hiện nay chẳng hạn. Bởi nếu ai đó muốn “cấm” thì đã không kéo dài được suốt gần hai thập kỷ qua.
Mà có lẽ chỉ bởi là một show diễn truyền hình, như vô vàn show diễn khác đến lúc tự nó phải dừng, để thay thế bằng trò mới. Bởi nó đã đuối mệt không cười hết được đời thực. Không theo kịp các trend luôn thay đổi chóng mặt trên mạng xã hội. Như chính báo chí hiện cũng đang bị lạc hậu trước facebook? Cuối năm, khó thể cười lại thứ người ta đã cười xoành xoạch mỗi ngày.
Ai đã đọc "Sẽ không ai cười" của Milan Kundera? Một lần nữa tôi phải nhắc tới nhà văn gốc Czech đồng hương với Kafka này. Một nhà văn nay ở tuổi 90 với tư tưởng đại thụ đương đại, dù đọc ông thấy nhiều thứ rất dễ hoang mang. Nhưng một thứ không hề hoang mang, với Kundera, đó là tinh thần hài hước. Khi ông cho rằng xem xét một người mà qua cách anh ta mỉm cười, thì không cần phải sợ hãi. Bởi “tinh thần hài hước là một dấu hiệu đáng tin cậy”.
Kundera chia tiếng cười – một biểu hiện sinh lý – thành hai thái độ siêu hình trái ngược nhau. Tiếng cười của những thiên thần thể hiện niềm vui sống. Và tiếng cười khác đầy nhiệt hứng của sự cuồng tín, không dễ dàng chấp nhận những ai không chia sẻ “niềm vui” của họ. Đời sống là vậy. Đôi bờ vực của những tiếng cười nhiều khi cũng không dễ gì san lấp.
Bây giờ cười dễ, nhưng làm hài lại quá khó. Khi có quá nhiều thứ cười và để cười. Dù đa phần hài nhảm, mà thiếu cái cười thế sự sâu sắc. “Nực cười” - một từ giờ ít thấy dùng. Cuộc phái sinh ngôn ngữ, khi chính ngôn ngữ cũng từng ngày bị thay thế và đổi mới. Cái gì cũng phải thay để tốt hơn. Như mọi thứ trong đời sống này. Ngay cả phải “gỡ thể chế để thoát khỏi tư duy lạc hậu, phát triển kinh tế” mà Thủ tướng Chính phủ vừa nhắn nhủ. Hay như cuộc “cách mạng” sách giáo khoa, khi không còn là pháp lệnh kể từ năm tới - 2020.
Các hề chèo xưa “đốt nhọ bôi mồm” vẽ mặt bước ra chiếu chèo, và vẫn sống khỏe trong tâm thức người Việt suốt mấy trăm năm qua. Tất nhiên khác với các Táo 4.0, bởi hề chèo là thứ nghệ thuật kinh điển dù manh chiếu trải ra nơi cung đình hay bị buộc lui về làng xã, mà không phải thứ nhạc chế ăn theo thời vụ.
Và còn ở chỗ, là người ta “thính dữ bất thính nhĩ” (Nghe hay không nghe mà thôi) như lời anh hề gậy vẫn hát về phận hề của mình.