Các nước hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên sư phạm như thế nào?

Các nước hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên sư phạm như thế nào?
TPO - Lần đầu tiên tại Việt Nam, vấn đề hỗ trợ sinh hoạt phí được đặt ra tại dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Vậy tại các nước, sinh viên sư phạm được hỗ trợ như thế nào?

Theo dự thảo Nghị nghị định, nhà nước sẽ hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu/tháng/sinh viên, học sinh sư phạm bên cạnh việc hỗ trợ học phí như hiện nay.

Trong khi đó, để thu hút người giỏi trở thành giáo viên và duy trì đội ngũ giáo viên có năng lực ở những vùng thiếu hụt giáo viên, nước Mỹ duy trì một số chương trình hỗ trợ tài chính mà sinh viên sư phạm có thể thụ hưởng. Chương trình TEACH trợ cấp cho sinh viên cam kết sẽ dạy học ở những vùng khó khăn trong vòng 4 năm. Chương trình Stafford xóa nợ cho sinh viên với mức tối đa là 17.500 USD nếu sinh viên cam kết dạy một số môn học theo yêu cầu ở những vùng khó khăn trong vòng 5 năm liên tục.

Chương trình xóa nợ cho những người làm việc trong khu vực dịch vụ xã hội (Public Service Loan Forgiveness -PSLF) xóa bỏ toàn bộ các khoản tín dụng sinh viên cho những người đã làm việc trong khu vực dịch vụ xã hội từ 10 năm trở lên. Do vậy, giáo viên là người được hưởng lợi từ chương trình này. Ngoài ra, mỗi bang có chính sách hỗ trợ tài chính riêng cho sinh viên.

Tại Anh, để thu hút sinh viên vào học sư phạm, thông tin hướng dẫn trở thành giáo viên rất phổ biến. Tuy nhiên, chính sách tài chính đối với sinh viên sư phạm không khác biệt so với sinh viên học các ngành khác. Sinh viên sư phạm phải đóng học phí và được tham gia các chương trình hỗ trợ tài chính.

Có 4 dạng loại tài chính chủ yếu hỗ trợ sinh viên sư phạm: Học bổng tài năng được cấp cho người học có kết quả học tập từ khá (60-69%) trở lên và dạy một số môn học theo yêu cầu; Học bổng theo vị thế tài chính được cấp cho sinh viên một số ngành và mức học bổng tùy thuộc vào nhu cầu tài chính của sinh viên; Tín dụng sinh viên được cấp cho mọi đối tượng; Đối với sinh viên sư phạm có thể tham gia chương trình nhận lương trực tiếp từ trường mà họ thực tập dạy học.

Tại Pháp: Đào tạo giáo viên có khác với Việt Nam. Sinh viên muốn theo sư phạm sẽ phải học theo hình thức nối tiếp (4 năm đại học chuyên ngành + 2 năm sư phạm).

Khi sinh viên học ngành sư phạm thì đã được coi như là thực tập sinh. Họ theo sát trường phổ thông và được hỗ trợ kinh phí (lương cho người học việc). Để trở thành giáo viên chính thức, người học phải ở trình độ thạc sĩ và vượt qua kì thi sát hạch (chứng chỉ hành nghề).

Cộng hòa Pháp có quy định mọi quyền lợi chính sách về đào tạo và điều kiện làm việc của giáo viên của trường công lập cũng như trường tư thục bình đẳng như nhau.

Tại Đức: Suốt quá trình học ĐH, ở hầu hết các tiểu bang, sinh viên không phải trả tiền học phí. Sinh viên chỉ phải trả tiền lệ phí hành chính (lệ phí đăng ký) khoảng từ 100 đến 150 Euro/năm tùy theo từng trường.

Bộ Giáo dục Singapore rất thận trọng trong tuyển chọn những giáo viên tiềm năng từ số học sinh thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích học tập sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài thành tích học tập, người học được tuyển chọn phải có sự yêu thích, cam kết gắn bó với công việc giảng dạy. Các giáo viên tiềm năng này trong thời gian đào tạo sẽ được hưởng mức trợ cấp tương đương 60% lương của giáo viên chính thức. Tuy nhiên, vì được hưởng quyền lợi này nên họ cũng phải cam kết sẽ tham gia giảng dạy trong ít nhất 3 năm sau khi chính thức vào nghề.

Hàn Quốc trước đây miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Hiện nay đã áp dụng thu học phí nhưng có rất nhiều học bổng để thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm. Khoảng 40% sinh viên sư phạm được nhận học bổng.

Trung Quốc áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ở những khu vực thiếu giáo viên. Theo chính sách này, Nhà nước sẽ chi khoảng 10 nghìn NDT/năm (20 triệu đồng) cho mỗi sinh viên sư phạm. Sinh viên được yêu cầu phải giảng dạy trong một khu vực nông thôn được chỉ định từ 5-8 năm sau tốt nghiệp. Những ai vi phạm thỏa thuận sẽ phải hoàn trả toàn bộ học phí cùng một mức tiền phạt.

Tại Cu Ba thực hiện chính sách miễn học phí, sinh hoạt phí và bố trí công việc sau khi tốt nghiệp cho sinh viên sư phạm. 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.