Các nhà mạng lớn của Việt Nam có sử dụng thiết bị Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
TPO - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, có thực trạng các nhà mạng lớn ở Việt Nam hiện nay sử dụng thiết bị, công nghệ Trung Quốc và cũng có khả năng công nghệ đó có lỗ hổng gây ra rủi ro, mất an toàn thông tin và xâm phạm quyền riêng tư của những người sử dụng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/8, liên quan đến câu hỏi trong thời gian qua, nhất là sau vụ hacker ở sân bay, dư luận dấy lên vấn đề hạ tầng viễn thông Việt Nam, từ mạng internet, viễn thông, truyền thông, trang thiết bị phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ Trung Quốc, đặc biệt nhà mạng Huawei trong khi nhiều nước trên thế giới, Huawei đang bị tẩy chay vì liên quan đến vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông tin, về tấn công mạng thì Việt Nam bị tấn công liên tục, như ngày 2/8 vẫn có những vụ tấn công lẻ tẻ, như báo Người đưa tin  một số web của các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa… "Cái này diễn thường xuyên", Bộ trưởng Tuấn nói. 

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đối với việc hiện nay một số nước trên thế giới công khai cáo buộc các hãng thiết bị Trung quốc vì nguy cơ mất an toàn thông tin thì chúng ta cần nhấn mạnh một điểm là không thể bảo đảm an toàn an ninh thông tin nếu chỉ phụ thuộc vào công nghệ hoặc một doanh nghiệp cụ thể nào, cũng như không có thiết bị nào có thể đảm bảo tin tưởng được hoàn toàn.

"Đúng là có thực trạng là các nhà mạng lớn ở Việt Nam hiện nay sử dụng thiết bị, công nghệ Trung Quốc và cũng có khả năng công nghệ đó có lỗ hổng như gần đây chúng ta biết các thiết bị đầu cuối như PC, laptop vừa qua đã phát hiện rủi ro, mất an toàn thông tin và xâm phạm quyền riêng tư của những người sử dụng", ông Tuấn nói.

Theo Bộ trưởng Tuấn, có rất nhiều nguyên nhân của các nhà mạng lớn ở Việt Nam sử dụng công nghệ viễn thông của Trung Quốc, một là do hoàn cảnh lịch sử để lại, do chính sách, do chiến lược ban đầu của ta chưa đồng bộ, do luật đấu thầu của chúng ta có những hạn chế, nhất là giá thành và cách tiếp cận thị trường linh hoạt của các hãng viễn thông Trung Quốc. Họ tiếp cận rất linh hoạt.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, mặc dù có những rào cản, hạn chế, nhưng một số hãng công nghệ Trung Quốc vẫn đang vượt lên trở thành những hãng đứng đầu về công nghệ thông tin và viễn thông. Chính vì vậy, doanh thu của họ trên thế giới không ngừng tăng lên, mà nổi bật trong bảng xếp hạng thương hiệu toàn cầu tốt nhất năm 2015 thì có cả Huawei của Trung Quốc.

"Về luật chúng ta chưa thể cấm, chúng ta không có sự phân biệt đối xử. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì chúng tôi sẽ rà soát đánh giá, có chính sách kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới. Chúng ta cũng có những yêu cầu cụ thể về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong việc đấu thầu, việc mua sắm thiết bị đối với những hệ thống thông tin quan trọng. 

Cũng rất mong cơ quan báo chí khuyến nghị các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam ngoài nhiệm vụ kinh doanh, thì trong trường hợp cần thiết nên có trách nhiệm,  phải biết hy sinh lợi ích của doanh nghiệp để đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu để góp phần cùng với nhà nước giữ vững an toàn, an ninh thông tin bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh, trong tình hình mới", Bộ trưởng Tuấn nói. 

Liên quan đến những băn khoăn về việc sẽ vay 300 triệu USD từ vốn vay ưu đãi của Trung Quốc để làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây là dự án rất quan trọng vì không những phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh mà cho cả vùng và đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh phía Bắc. 

"Đây là dự án rất quan trọng. Về quan điểm của Chính phủ thì rất muốn tìm kiếm nguồn vốn, thu hút vốn để triển khai dự án. Vừa rồi Trung Quốc cũng đưa ra trong chương trình hợp tác hai bên, tuy nhiên, phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhận thấy có nhiều vấn đề cần đàm phán thảo luận thêm với phía Trung Quốc về dự án này như các điều kiện vay, lựa chọn nhà thầu, lãi suất, các điều kiện khác….", ông Thu nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.