"Viễn cảnh có vẻ không được khả quan", phi công đã nghỉ hưu của hãng hàng không Mỹ American Airlines, Jim Tilmon nói trên CNN. Ông nhấn mạnh rằng đường bay của phi cơ mang số hiệu MH370 hầu hết là đi qua đất liền nên việc liên lạc với nó thông qua ăng-ten, radar và sóng vô tuyến là rất dễ dàng.
"Tôi đã cố gắng vẽ ra mọi kịch bản để có thể giải thích cho vụ việc này nhưng tôi đã không thành công", ông nói. Jim cho rằng chiếc Boeing 777-200 có thiết kế rất tinh vi như bất kỳ loại máy bay thương mại nào, với một hồ sơ an toàn vượt trội.
"Việc thiếu thông tin liên lạc khiến tôi nghi ngờ rằng có một điều gì đó đáng tiếc nhất đã xảy ra", ông Mary Schaivo, cựu tổng thanh tra của Bộ Vận tải Mỹ, cũng đồng quan điểm. "Nhưng tất nhiên, điều đó không có nghĩa là không cần cứu hộ. Việc tìm máy bay và cứu hộ là rất cấp bách".
Giám đốc điều hành hãng Malaysia Airlines, ông Ahmad Juahari Yahya, cho hay phi công điều khiển máy bay trên không hề phát tín hiệu nguy cấp trước khi mất tích.
"Ưu tiên cao nhất của hãng lúc này là phối hợp với lực lượng ứng phó khẩn cấp và các nhà chức trách để huy động sự hỗ trợ đầy đủ", ông Yahya nói. "Chúng tôi và mọi người đều đang hướng về các hành khách và phi hành đoàn cùng thân nhân của họ". Hiện giới chức vẫn chưa tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ nào của máy bay. Manh mối khả nghi duy nhất là hai vết dầu loang mà lực lượng cứu hộ hàng hải Việt Nam phát hiện trên vùng biển nghi máy bay rơi ở gần mũi Cà Mau.
Việc tìm máy bay mất tích trên biển luôn gặp nhiều khó khăn. Hộp đen của máy bay, thiết bị lưu trữ dữ liệu về chuyến bay và ghi âm tại buồng lái, được trang bị máy phát giúp phát ra các tín hiệu siêu âm ở dưới nước.
Trong điều kiện thuận lợi, tín hiệu có thể được dò thấy cách vị trí tai nạn vài trăm km, ông John Goglia, cựu thành viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho biết.
Nếu hộp đen bị kẹt trong xác máy bay, tín hiệu này khó có thể truyền đi xa. Nếu hộp đen nằm ở đáy của các rãnh ngầm đáy biển, điều này cũng gây cản trở tín hiệu phát đi. Tín hiệu siêu âm cũng sẽ yếu dần theo thời gian.