Các Bộ trưởng hứa gì đầu năm?

Các Bộ trưởng hứa gì đầu năm?
Các Bộ trưởng hy vọng sẽ khắc phục tồn tại, phát huy thế mạnh để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.

Các Bộ trưởng hứa gì đầu năm?

> Giá nhà đã giảm 50% so với năm 2009

> Nhân sự Ban Nội chính T.Ư chờ Ban Bí thư phê duyệt

Các Bộ trưởng hy vọng sẽ khắc phục tồn tại, phát huy thế mạnh để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.

Nhân dịp năm mới 2013, các Bộ trưởng đã chia sẻ về những kết quả hành động của các Bộ, ngành trong năm qua và phương hướng phát triển trong năm 2013.

Với quyết tâm chính trị cao, các Bộ trưởng bày tỏ hy vọng các lĩnh vực mình quản lý sẽ khắc phục tồn tại, phát huy thế mạnh để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước trong năm mới 2013.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “Tháo gỡ khó khăn cho DN và tăng cường chống thất thu NSNN”

Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 đòi hỏi phải có những giải pháp tài chính đồng bộ, đảm bảo sự nhất quán trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Vương Đình Huệ.
 

Theo đó, ngành tài chính sẽ thực hiện nghiêm túc các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã được đề ra như: giảm, giãn, gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các chính sách có liên đến đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhà ở xã hội.

Việc cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng được Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng để thực hiện có kết quả dự toán thu ngân sách năm 2013 ngay từ những tháng đầu năm. Ngành tài chính sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thu NSNN, tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế; đẩy mạnh theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế.

Đối với các khoản thuế và thu ngân sách năm 2012 được gia hạn sang năm 2013, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN. 2013 cũng là năm đánh dấu mốc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Luật đi vào cuộc sống sẽ hạn chế được những kẽ hở hay hình thức liên kết giao dịch có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp kê khai “lỗ giả, lãi thật” nhằm trốn thuế, gây thất thu lớn cho NSNN.

Năm 2013, ngành tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Giá; tăng cường minh bạch trong điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo sự rõ ràng và chủ động cho các doanh nghiệp. Đặc biệt sẽ có lộ trình để điều chỉnh khung giá các dịch vụ y tế, giáo dục, đảm bảo sự hài hòa, hợp lý về thời điểm thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đưa ra các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn”

Riêng năm 2013, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức từ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, trong nước thì vừa phải tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý. Bởi vì nếu không tăng trưởng hợp lý, chắc chắn vấn đề an sinh xã hội, trong đó có vấn đề tạo việc làm và thu nhập cho người dân sẽ không đạt được.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
 

Tăng trưởng kinh tế 2013 sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng là sự ổn định về kinh tế vĩ mô, sự quyết liệt của chương trình tái cơ cấu. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ 3 đột phá của tái cơ cấu kinh tế; tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất; giải quyết nợ xấu; giảm lãi suất cho vay. Với các giải pháp của Chính phủ, các doanh nghiệp có thể có được một nguồn sinh khí mới. Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bất động sản sẽ giúp chúng ta có đủ điều kiện để đạt được mục tiêu lạm phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn năm trước.

Năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong nước như tăng cường minh bạch thông tin, thực hiện các biện pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài song song với việc tăng cường quản lý dòng vốn này để ngăn chặn tình trạng trốn nợ và chuyển giá. Năm qua, dù lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam giảm nhẹ, nhưng lượng vốn đăng ký thêm của các dự án đã có mặt tại Việt Nam lại tăng gấp rưỡi so với năm 2011. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư trong nước.

Bên cạnh các giải pháp trước mắt, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng kiến nghị các giải pháp để tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho trung hạn và dài hạn. Chỉ khi nền kinh tế vĩ mô ổn định trong trung hạn và dài hạn mới có thể tiếp tục thu hút được đầu tư tăng trưởng sản xuất bền vững và tạo ra được nhiều công ăn việc làm hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: “Nông nghiệp duy trì tăng trưởng làm chỗ dựa cho nền kinh tế”

Trong năm 2013, để góp phần thực hiện những nhiệm vụ Chính phủ đặt ra cho toàn nền kinh tế, ngành nông nghiệp phải phấn đấu tăng trưởng và tăng trưởng với tốc độ cao hơn năm 2012, phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn. Nông nghiệp phải đóng vai trò là chỗ dựa, thậm chí là trụ cột để đảm bảo ổn định xã hội, ổn định chính trị của đất nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát
Bộ trưởng Cao Đức Phát.
 

Ngành nông nghiệp đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, đó là thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành một cách có hiệu quả theo hướng tập trung phát huy những tiềm năng lợi thế của Việt Nam và của từng vùng. Những vùng có lợi thế về trồng lúa thì tiếp tục phát huy và phấn đấu đạt hiệu quả cao hơn để đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.

Trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề quản lý chất lượng ngày càng trở nên bức thiết. Vì thế, Bộ sẽ triển khai mạnh hơn theo hướng quản lý hàng nông sản, tập trung vào những sản phẩm có nguy cơ mất an toàn cao nhất. Nhập khẩu cũng sẽ được xiết chặt để tăng cường quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu. Đồng thời, ngành tiếp tục làm tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh. Nhất là ngành chăn nuôi và thủy sản sẽ không thể phát triển nếu không kiểm soát tốt được dịch bệnh.

Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi sẽ tăng cường nhận thức cho cán bộ, nhân dân và chỉ đạo các địa phương hoàn thành công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các nội dung cụ thể trên cơ sở lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đào tạo nghề cho nông dân ở những xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2012 - 2015.

Một số nhiệm vụ khác là đối phó có hiệu quả với thiên tai, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước của ngành. Phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ thành công khi cả 14 triệu hộ gia đình nông dân, cả 60 triệu người sống ở nông thôn, cả hệ thống chính trị cả nước cùng tham gia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: “Khơi thông thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu”

Năm 2012, sản xuất công nghiệp tuy còn gặp nhiều khó khăn và chịu những tác động của kinh tế thế giới nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng 4,8% so với năm 2011.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
 

Bước sang năm 2013, kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát từng bước được kiểm soát; chính sách tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định. Nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới sẽ có khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư ở nhiều lĩnh vực trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013 cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường, những rủi ro đối với tiến trình phục hồi kinh tế thế giới còn tiềm ẩn khá lớn. Hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều phải đối mặt với những vấn đề nội tại trong năm 2013.

Xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt với chính sách bảo hộ từ các nước nhập khẩu ngày càng tăng và cạnh tranh gia tăng từ các nước xuất khẩu khác. Trong nước, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nợ xấu và khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa là hai điểm nghẽn của nền kinh tế trong năm 2013. Điều này tác động đến tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong năm 2013, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường xuất khẩu, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh. Tăng cường hoạt động quảng bá và bảo hộ thương hiệu xuất khẩu của Việt Nam tại nước ngoài; cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn. Đối với thị trường trong nước, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo cơ hội tăng thị phần hàng hóa của Việt Nam trên thị trường nội địa.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông”

Năm 2012 được Bộ GTVT đặt mục tiêu là “Năm chất lượng công trình”. Nhờ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhiều công trình, dự án đã đạt và vượt kế hoạch tiến độ để kịp thời đưa vào phục vụ dân sinh như: Đường vành đai 3 giai đoạn 2 TP Hà Nội, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (gói thầu số 1), cầu Nhật Tân, cầu Bến Thủy II, cầu Rạch Chiếc, các cầu vượt nhẹ tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng hàng không Phú Quốc... Chất lượng các công trình trọng điểm đã được cải thiện rõ rệt, các công trình thực hiện cơ bản đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng.
 

Tuy nhiên, đến nay tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, kiềm chế tai nạn giao thông chưa thật sự bền vững, tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2012 có xu hướng tăng trở lại, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Việc nâng cao chất lượng, tiến độ các dự án công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được các mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra.

Khắc phục những tồn tại trên, năm 2013 tiếp tục được Bộ GTVT chọn là “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông; Năm ATGT”. Với mục tiêu đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài để kiềm chế tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí, đặt mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương so với năm 2012 và lấy "Năm an toàn giao thông 2013" là năm "Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Trong đó, Bộ GTVT sẽ tập trung đẩy mạnh phân cấp quản lý, xã hội hóa công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường thực hiện đổi mới công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, trước hết là đường bộ, sử dụng có hiệu quả kinh phí duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông và đẩy nhanh tiến độ lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: “Tích cực thúc đẩy tạo việc làm cho người lao động”

Để bảo đảm an sinh xã hội, trong năm 2013, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu người, đưa tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn khoảng 4% và tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 49%. Đồng thời, cố gắng để tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.
 

Ngành LĐ-TB&XH đặt nhiệm vụ hàng đầu là tham mưu để Chính phủ sớm triển khai thực hiện Chiến lược dạy nghề và hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét dự án Luật Việc làm. Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích các tổ chức, đoàn thể chính trị xây dựng thêm nhiều trung tâm xúc tiến giới thiệu việc làm, tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, hỗ trợ nhiều địa phương phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm dành cho thanh niên nông thôn để kết nối về cơ hội việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp. Nhìn chung, lao động nông thôn đang là nhóm đối tượng cần được quan tâm hỗ trợ để tạo được nhiều việc làm hơn. Thêm vào đó, trình độ lao động có tay nghề cao của Việt Nam còn thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới. Chính yếu tố đó đã khiến cho nhiều lao động trẻ chưa có nhiều cơ hội tìm được việc làm thích hợp, giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động thế giới. Do đó, ngành LĐ-TB&XH sẽ tích cực thúc đẩy các hoạt động hướng nghiệp cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận: “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giáo dục và đào tạo”

Năm 2013, trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong năm 2012 và những năm trước, ngành giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn theo hướng tăng kỷ cương, kỷ luật. Đồng thời, phát triển GD - ĐT theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Cụ thể, với giáo dục phổ thông, chúng tôi tập trung vào những bức xúc của năm 2012 mà chưa giải quyết dứt điểm được như: tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tình trạng lạm thu, nạn bạo lực học đường, giáo dục nâng cao ý thức của học sinh trong lớp học, gia đình, xã hội.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
 

Để nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT sẽ điều chỉnh, đổi mới một số nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi - kiểm tra - đánh giá ở các cấp học, bậc học theo hướng chú trọng năng lực sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng thực hành trong học sinh sinh viên, phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển hiện nay của đất nước. Đối với giáo dục đại học, phải nhanh chóng soạn thảo trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Hoàn thiện cơ chế tự chủ của các nhà trường, tăng cường và hoàn thiện cơ chế thanh kiểm tra của Bộ GD - ĐT phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD - ĐT. Đồng thời, Bộ GD - ĐT sẽ sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2011 - 2020 cho phù hợp với chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp đó là, tập trung xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu của xã hội đối với GD - ĐT. Trong đó, Bộ GD - ĐT sẽ chú trọng triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện các trường sư phạm, đặc biệt là các trường đại học sư phạm trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho toàn ngành.

Toàn ngành tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để báo cáo với Trung ương tiếp tục bàn thảo và ra nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là kim chỉ nam”

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong năm 2013, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
 

Với phương châm lấy phát triển bền vững làm “kim chỉ nam” trong mọi hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện mục tiêu đến năm 2015 cơ bản khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; trong năm 2013, ngành y tế sẽ tập trung triển khai rất nhiều đề án như: Đề án giảm tải bệnh viện, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án bác sỹ gia đình, Đề án xây dựng các phương pháp đánh giá sự hài lòng người bệnh, Đề án bảo hiểm y tế toàn dân, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dược...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện thực hiện quyết liệt Chỉ thị 05/CT - BYT về việc tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế; thực hiện Chương trình 527 về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì mục tiêu hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế và bảo đảm an toàn cho người bệnh; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý bệnh viện; tăng cường công tác dược trong bệnh viện, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ trưởng Bộ Y tế; tăng cường công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh và dinh dưỡng tiết chế; tiếp tục nâng cao y đức, tinh thần thái độ chăm sóc người bệnh; tăng cường đầu tư cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện để giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giảm bớt thời gian nằm viện, giảm tải bệnh viện. Đồng thời tăng cường, khuyến khích xã hội hóa, mở thêm bệnh viện tư... Trong năm 2013, Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện gồm 35 tiêu chí sẽ được thí điểm áp dụng để đánh giá chất lượng bệnh viện góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, năm 2013, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát động toàn ngành thực hiện nâng cao y đức, trách nhiệm của cán bộ y tế với sức khỏe của nhân dân.../.

Theo Báo tin tức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG