Chỉ sau gần 8 tháng thả nuôi, trọng lượng cá tầm con to nhất nặng gần 3,5kg, tương đương với cá thả nuôi hơn 1 năm.
Thấy chúng tôi trầm trồ trước lứa cá tầm thừa tiêu chuẩn xuất bán đang bơi lượn trong ao, ông Đinh Văn Phải (70 tuổi), người đang trông coi giúp số cá này cho Trung tâm Khuyến nông huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) bày tỏ: Không chỉ cá, mà cả vật nuôi và thú rừng...uống nước từ con suối sữa Mang He đều lớn nhanh như thổi cả.
Sự kỳ diệu của nguồn nước từ con suối này bắt đầu từ câu chuyện lưu truyền trong làng Mang He từ nhiều đời qua. Theo lời ông Phải thì cách đây rất lâu, có một đôi vợ chồng trẻ trong làng dắt nhau lên gần suối Mang He dựng nhà và sinh sống.
Khi người vợ sinh hạ 1 đứa con được ít hôm, thì bất ngờ bị một con khỉ lớn lẻn vào và bắt đi. Thương con nên người vợ lội ngược lên khu rừng rậm ở phía thượng nguồn tìm kiếm. Theo đó những giọt sữa từ đôi vú căng tròn của người mẹ rơi xuống hòa vào dòng nước, thấm sâu vào mạch nước. Nhờ vậy mà nước suối Mang He mát và ngọt hơn tất cả nơi khác.
Chưa rõ thực hư câu chuyện trên thế nào nhưng ông Trần Quý, Trưởng trạm Khuyến nông Sơn Tây cho biết: Sau một thời gian tìm hiểu, đánh giá và so sánh khá kỹ nguồn nước, điều kiện khí hậu của địa phương, vào tháng 11/2014, trạm được UBND huyện Sơn Tây giao triển khai mô hình nuôi cá tầm thí điểm đầu tiên ở Quảng Ngãi, với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng ở khu vực chân núi gần con suối này.
Theo đó trên diện tích ao nuôi 100m2, đơn vị này thả khoảng 500 con cá tầm giống, với trọng lượng 70g/con. Sau khoảng 8 tháng thả nuôi, hiện trọng lượng cá tầm đạt trung bình gần 3kg/con, trong đó con lớn nhất nặng gần 3,5kg; bằng trọng lượng cá thả nuôi hơn 1 năm theo tính toán ở các nơi khác.
Từ sự thành công này, chính quyền Sơn Tây tiếp tục giao cho Khuyến nông huyện đầu tư trên 500 triệu đồng để đào 3 ao, với diện tích 100m2/ao để thả nuôi 2.000 con cá tầm. Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây chia sẻ: Dù là vật nuôi mới nhưng kết quả đạt được đã khẳng định cá tầm thích nghi và phát triển khá tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương.
Tuy nhiên để nhân rộng mô hình còn rất nhiều vấn đề phải tính toán, như chọn vị trí nuôi có nguồn nước thích hợp, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật...đặc biệt là phải tìm đầu ra sao cho thật ổn định. Nếu không con cá tầm rất dễ rơi vào tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến thị trường tiêu thụ khó, thậm chí không bán được như nhiều loại nông sản khác mà người dân Quảng Ngãi đang gặp phải.
Theo Theo Dân Việt