Những scandal về tôi thì nhiều lắm
Thanh Lan cởi mở, kể chuyện năm 1968, khi đang là nữ hoàng mới nổi của sân khấu ca nhạc Sài Gòn, chị cưới chồng là một thiếu gia tên Dũng nhưng 3 năm sau thì ly dị. Nhiều người cho là tôi quá ham sự nghiệp quên đi gia đình. Họ còn đồn tôi bị chồng đánh đập. Thực tế, anh Dũng chưa hề đánh tôi bao giờ, chỉ cãi nhau thôi. Chúng tôi đến với nhau khi cả hai còn quá trẻ nên có sự bồng bột nhất thời. Khi cưới nhau rồi cả hai mới nhận thấy không hợp nhau thì chia tay thôi. Sau này, khi sang Mỹ, trong một lần đi hát ở tiểu bang anh Dũng ở, chính chị ruột anh Dũng còn chở tôi đến nhà anh ấy chơi. Chúng tôi vẫn trò chuyện như những người bạn cũ.
Ngày đó người ta còn đồn tôi từng cặp bồ với những ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng, thậm chí với một sỹ quan rồi cả với quan chức trong chính quyền ngày đó. Thực tế không có. Tôi cặp bồ trong phim, tôi hát cặp hay chỉ gặp ai đó vài lần người ta cũng đồn là tôi cặp bồ với người đó. Rồi họ bịa thêm tôi bị đánh ghen, bị thương tích. Tất cả đều không có thật.
Sao chị không cải chính?
Sao tôi đủ sức cải chính khi mà có quá nhiều tin đồn thêu dệt quanh tôi. Cách hay nhất để cải chính là im lặng. Vậy thôi! Chứ càng chối người ta càng nghi ngờ.
Có bao giờ chị tự đặt câu hỏi là vì sao lại nhiều tin đồn thất thiệt đến với chị như thế?
Có lẽ là do thành công đã đến quá sớm với tôi. Những năm trước 1975 người ta gọi tôi là Nữ hoàng trong âm nhạc, điện ảnh và cả sân khấu. Tôi hát dân ca, hát bolero, hát nhạc Anh nhạc Pháp đều tốt. Năm 1970 tôi là ca sỹ đầu tiên tại Sài Gòn được mời thu âm riêng một đĩa nhạc. Năm 1974 tôi được tặng giải Kim Khánh với danh hiệu “Nữ tài tử đẹp nhất Sài Gòn”. Báo chí ngày đó khen ngợi tôi rất nhiều, các chương trình biểu diễn cũng liên tục… Rồi sau này khi tôi đã ly dị, tôi có cuộc sống tình cảm khép kín nên người ta càng tò mò và đồn thổi thôi.
Phim tôi đóng không phải là phim sex
Đầu năm 1975 chị tham gia bộ phim “Number 10 Blues (Goodbye Saigon)” do một đạo diễn người Nhật thực hiện. Sau này dư luận đã đồn thổi đây là một bộ phim sex do người đẹp Thanh Lan đóng vai chính cùng 2 diễn viên nam người Nhật Bản?
Lại là một tin đồn sai. Thực ra đó là bộ phim tình cảm xen lẫn hành động nói về một mối tình giữa cô gái Việt và anh chàng người Nhật. Trong phim đó tôi đóng vai nữ chính và cảnh được gọi là sexy, gợi tình nhất cũng chỉ là cảnh quay tôi trong chiếc áo hở trần hai vai. Nhưng vì ngày đó phim không được chiếu nên người ta cứ nói chắc là vì phim sex nên bị cấm.
Vậy chị có biết lý do vì sao phim không được chiếu?
Lúc đó tôi không biết. Sau này, nhà sản xuất phim liên lạc với tôi thì mới hiểu nguyên nhân là sau khi làm phim xong, do mâu thuẫn giữa đạo diễn và nhà sản xuất nên người ta đã cất bộ phim vào kho. Mãi đến năm 2013, nghĩa là sau 28 năm, bộ phim mới được hoàn thiện và ra mắt khán giả tại Liên hoan phim các nước Á Châu diễn ra ở Kukuoka (Nhật Bản). Tôi cũng được BTC mời sang tham dự liên hoan phim này với tư cách diễn viên chính của phim. Tại liên hoan, phim đoạt giải “Phim được khán giả yêu thích nhất”.
Tôi chỉ kết hôn 1 lần
Đã bao giờ chị cảm thấy buồn phiền, chán nản cuộc đời đến mức muốn từ bỏ cuộc đời hay không?
Buồn phiền chán nản thì nhiều. Nhưng nhiều đến mức có ý định tự tử thì tôi chưa bao giờ. Vì điều đó tôi học được từ mẹ tôi, mẹ tôi đã vượt qua bao khó khăn để nuôi chúng tôi thành người. Hơn nữa khi tôi gặp những bất hạnh thì tôi đã có con gái. Và tôi dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con tôi, đó là lẽ sống để tôi vượt qua tất cả.
Con gái chị có bao giờ nói về những lời đồn thổi scandal của chị?
Con gái tôi hiểu tôi nên cháu không nói gì về những tin đồn. Nhưng cháu sợ tin đồn thị phi nên dù xinh đẹp, hát hay nhưng cháu không chịu làm ca sỹ vì cháu sợ sẽ bị những chuyện đồn thổi như mẹ. Giờ cháu chọn làm công việc kinh doanh và tôi cũng giúp cháu.
Nghĩa là sau khi kết hôn và ly hôn từ khi mới hơn 20 tuổi, mấy chục năm qua chị vẫn “cô đơn”?
Nếu là nói về đôi lứa thì tôi cô đơn từ ngày đó. Nhưng tôi còn có gia đình, có con và tôi sống vì điều đó. Tôi có sự nghiệp nên không cần nương tựa vào ai. Tôi không lụy tình mà mạnh mẽ trong tình cảm. Vì thế tôi vượt qua được khó khăn mà những phụ nữ khác thường gặp phải.
Vậy từ ngày qua Mỹ, chị có gặp lại những “người tình tin đồn” của chị hay không?
Tôi gặp nhiều chứ. Thậm chí còn đi diễn chung với nhau. Nói chuyện ngày xưa ở Việt Nam bị đồn thế nọ thế kia chỉ biết cười với nhau.
Vai diễn trong Ván bài lật ngửa
Sau ngày đất nước thống nhất, là một ca sỹ- diễn viên đã bị nhiều dư luận không tốt thì chị có gặp khó khăn gì khi hòa nhập với cuộc sống mới hay không?
Cũng có! Một thời gian, tôi không được hát ở Sài Gòn hay là hát trên sóng phát thanh, rồi không được đóng phim. Tôi đành đi hát theo các bầu show tại các tỉnh lẻ. May mắn cho tôi là khán giả ở các tỉnh lẻ rất dễ thương, họ rất yêu thích giọng hát của tôi nên dần dần từ sự yêu thích của họ, tôi đã được về hát ở Sài Gòn như trước đây. Thậm chí còn được ra miền Bắc hát nhiều lần.
Năm 1984, tôi được mời vào vai Thùy Dung trong tập 4 mang tên Cơn hồng thủy và bản Tango số 3 thuộc seri phim điện ảnh Ván bài lật ngửa. Chuyện tôi được mời vào vai cũng khá tình cờ. Đó là khi đoàn làm phim Ván bài lật ngửa đã chuẩn bị xong xuôi để quay tập 4 thì nữ diễn viên Thúy An- Người đã đóng vai nữ chính trong 3 tập trước có bầu. Không thể dừng lại vì tất cả đã chuẩn bị hết nên đoàn đã phải mời diễn viên khác. Người thay thế được dự tính là diễn viên Phạm Thúy Lan nhưng rồi diễn viên này từ chối vì đang kẹt trong một bộ phim khác. Bí quá, ông đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã nhớ đến tôi vì trước đây tôi đã từng đóng phim của ông.
Vai diễn Thùy Dung có nhiều nét tương đồng với tôi như là Thùy Dung là cô gái miền Bắc vào Nam, Thùy Dung là một nữ trí thức… nên tôi có thuận lợi khi nhập vai. Sau khi đóng xong tập 4, cả giới chuyên môn lẫn khán giả đều cho rằng tôi hợp vai Thùy Dung hơn là diễn viên Thúy An nên tôi đã được mời tham gia tất cả những tập phim còn lại. Sau này đạo diễn Lê Hoàng Hoa có nói vui với tôi là tôi đã cứu cả đoàn phim nhưng tôi lại cho rằng đoàn làm phim đã cứu tôi, đưa tôi trở lại với điện ảnh. Vì từ vai diễn này, tôi đã có nhiều lời mời đóng phim và làm được vài phim thành công như Bài hát không chỉ là nốt nhạc năm 1986, Ngoại ô năm 1987, Hai chị em năm 1988, Đằng sau một số phận năm 1989…
Trở lại với âm nhạc, chị đã từng rất thành công trong các bài hát dân ca nhưng cũng rất thành công khi hát những ca khúc nhạc ngoại lời Việt. Tại sao chị có thể thành công ở cả 2 dòng nhạc có nhiều khác biệt như thế?
Tôi học nhạc từ nhỏ và những người thầy dạy nhạc cho tôi đã giúp tôi hiểu được cái hay cái đẹp trong dân ca Việt Nam. Tôi được khán giả yêu mến đầu tiên cũng từ hát dân ca nên hát dân ca luôn là một phần trong âm nhạc của tôi. Còn với các ca khúc nhạc ngoại lời Việt thì do tôi có may mắn được học 12 năm phổ thông bằng tiếng Pháp. Rồi khi học đại học Văn khoa, tôi đã học và tốt nghiệp với bằng chuyên ngành Văn chương Anh. Vì thế tôi nói tiếng Anh và tiếng Pháp đều tốt, tôi nghĩ đó là cơ sở để khi hát một ca khúc ngoại lời Việt, tôi đều có thể tìm tư liệu từ sách báo nước ngoài để hiểu và cảm nhận ca khúc đó. Từ đó tôi tìm tòi, sáng tạo cách thể hiện ca khúc cho riêng mình.
Nhưng những ca khúc đã đem lại thành công cho chị ngày trước liệu có phù hợp với khán giả bây giờ hay không?
Tôi nghĩ là vẫn phù hợp. Vì tôi ra đĩa hay ra album vẫn bán chạy, nhiều bạn trẻ bây giờ vẫn viết thư cho tôi mong được nghe tôi hát ở Việt Nam. Tôi về đợt này cũng là để thăm dò nhu cầu của khán giả trong nước xem có đúng như dự tính không.
Và nếu khán giả trong nước đón nhận thì chị sẽ trở về hát ở trong nước?
Dĩ nhiên! Xa quê hương quá lâu rồi nên tôi mong được trở về với khán giả trong nước. Không chỉ đi hát, nếu có đạo diễn nào mời đóng phim, tôi cũng sẽ nhận lời. Miễn sao có vai diễn phù hợp với tôi.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Ca sỹ Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh năm 1948 tại TP Vinh nhưng sinh sống tại Hà Nội trước khi vào Sài Gòn năm 1953. Thanh Lan là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi khi thành công trên cả ba lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và sân khấu trước năm 1975. Đặc biệt với âm nhạc, Thanh Lan là một trong những ca sỹ được “đóng đinh” với những ca khúc nhạc ngoại lời Việt như Khi xưa ta bé, Trở về mái nhà xưa, Búp bê không tình yêu, Giàn thiên lý đã xa, Samba Mambo, Trưng Vương khung cửa mùa thu…