“Cả ngày họ đi cứu dân, có người chưa kịp ngủ”

Sau một ngày mệt nhoài vì giúp dân chạy lũ, 22 chiến sĩ Đoàn 337 về đơn vị lúc 0h. Họ vừa nghỉ ngơi thì ngọn núi phía sau ập xuống.

Gần 2h ngày 18/10, anh Hồ Xuân (xã Hướng Phụng, Hướng Hóa, Quảng Trị) bị đánh thức bởi tiếng người hô hoán trước nhà. Cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị hớt hải tháo chạy. Phía sau họ, tiếng đất đá đổ xuống ầm ầm.

Người Bru Vân Kiều sống tại Hướng Hóa gọi dãy núi phía sau trụ sở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 là Coọc Tạc (Núi Sắt hoặc Cổng Trời). "Bộ đội ở đây lâu lắm rồi, có bao giờ bị thế này mô", anh Xuân ngậm ngùi.

"Anh em mệt lả, có người mặc nguyên quân phục"

“Cả ngày họ đi cứu dân, có người chưa kịp ngủ” ảnh 1

Hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: CTV.

Khi sạt lở kết thúc, các chiến sĩ chạy ngược lại tìm đồng đội. Nhưng lại một tiếng động lớn, đất đá sạt tiếp, họ phải lùi ra. Cho đến sáng 18/10, thêm vài âm thanh như vậy trước khi Núi Sắt ngừng lay chuyển.

Trụ sở sư Đoàn 337 tan hoang sau vụ lở núi. Bùn đất ập xuống 3 dãy nhà, đẩy các mảng tường trôi xa vài chục mét.

Những người đồng đội thoát nạn lao vào đống đổ nát để tìm người mất tích. Họ nhanh chóng dìu được 4 người ra khỏi hiện trường. Đống bùn đất còn lại quá lớn. Khi trời sáng, những chiếc máy xúc đầu tiên mới vượt qua được nhiểu điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường.

"Đến 4h sáng, chúng tôi thấy người thứ 5 ngoi ngóp bò ra khỏi đống đổ nát", một vị thiếu tá nhớ lại. Tính đến 17h chiều 18/10, đó vẫn là người cuối cùng được ghi nhận sống sót. 22 cán bộ, chiến sĩ còn lại không kịp thoát thân.

Theo người dân địa phương, trời đã mưa liên tục gần 2 tuần nay. Đồng bào dân tộc địa phương khi gặp mưa lũ, sạt lở là phải nhờ bộ đội đến ứng cứu.

Ngày 17/10, gần 30 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 hành quân sang xã Hướng Việt cách đó 30 km để giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ. Sau một ngày dầm mưa, họ về đến đơn vị lúc gần 0h.

"Anh em về đến đơn vị đều mệt lả, chỉ tắm rửa qua loa rồi về giường. Khi vụ việc xảy ra, có chiến sĩ còn mặc nguyên quân phục, thậm chí chưa kịp ngủ", một cán bộ chia sẻ.

3 tháng nghĩa vụ cuối cùng

“Cả ngày họ đi cứu dân, có người chưa kịp ngủ” ảnh 2 Các sĩ quan gọi điện để xác nhận danh tính các nạn nhân. Ảnh: Ngọc Tân.

"Mới hôm qua nó còn điện bảo bố vay tiền lợp lại mái nhà cho khỏi dột rồi 3 tháng nữa con ra quân sẽ lấy tiền trả lại. Vậy mà giờ nó bỏ tôi đi", ông Lê Đình Huấn (trú xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nghẹn ngào.

Con trai ông Huấn là binh nhất Lê Tuấn Anh (20 tuổi), chiến sĩ hậu cần tại sư đoàn. Chàng trai lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự ngay khi học xong phổ thông. Khi chỉ còn 3 tháng là hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Tuấn Anh gặp nạn.

Từ lúc biết tin, ông Huấn cùng người thân đứng ngồi không yên. Trước đây, mỗi lúc về phép, Tuấn Anh thường bảo bố mẹ sửa sang lại mái nhà để mưa lũ không dột. Cậu dự định khi trở về sẽ đi xuất khẩu lao động để kinh tế gia đình khấm khá hơn.

Bà Trương Thị Khuyên (mẹ Tuấn Anh) gục xuống vệ đường trước lối vào đơn vị. Tỉnh lại sau khi ngất xỉu, người mẹ lại nhìn đống đổ nát rồi gào tên con. "Rùa ơi (tên gọi khác của Tuấn Anh), con khoe khi về sẽ có quà cho mẹ, mà giờ con ở đâu con ơi…", bà Khuyên khóc nghẹn.

Hai ngày trước, Tuấn Anh gọi điện khoe rằng đang làm một món quà lưu niệm để tặng mẹ. Dự định học ngoại ngữ để sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc cũng được cậu nhiều lần chia sẻ khi tháng ngày quân ngũ sắp qua.

Chiều 18/10, mưa vẫn rơi từng đợt ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Dọc tuyến đường nham nhở vì mưa lũ, thêm từng tốp thân nhân băng qua các điểm sạt lở để vào hiện trường.

Trời tối hẳn. Cuộc tìm kiếm diễn ra khẩn trương, nhưng thỉnh thoảng phải tạm dừng vì tiếng kẻng báo sạt lở đất lại diễn ra.

Rạng sáng 18/10 đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4) thuộc thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Vụ sạt lở khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp và chỉ có 5 người may mắn thoát nạn.

Đến 17h15 cùng ngày, 14/22 thi thể cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 đã được tìm thấy.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.