Không dám ngủ vì lo sạt lở
“Mùa sạt lở” năm nay, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) trở thành “điểm nóng” sạt lở của tỉnh. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện đã có đến 140 vụ sạt lở đất ven sông làm hư hỏng hoàn toàn 256m kè bê tông, sập hoàn toàn 26 căn nhà, hư hỏng 10 căn nhà, thiệt hại 3.000m2 đất vuông rừng, 1.100m2 đất vuông, 180m lộ nhựa, hơn 2.300m lộ bê tông,… ước tổng thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng.
Vụ sạt lở tuyến đường ô tô độc đạo về trung tâm xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) khiến nền và mặt đường trôi xuống sông |
Điển hình là vụ sạt lở khoảng 110m tuyến đường ô tô độc đạo về trung tâm xã Nguyễn Huân khiến nền và mặt đường trôi xuống sông, giao thông bị chia cắt. Khu vực này sông sâu, nước chảy siết, từng xảy ra ba lần sạt lở lộ. Chính quyền địa phương vừa mới đầu tư đoạn kè khu vực này trị giá hàng tỷ đồng, nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng sạt lở.
Chỉ cho chúng tôi những vết nứt bao trùm lên căn nhà nằm cạnh bờ sông, ông Diệp Thanh Xuân (ấp Tân Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) đang “đứng ngồi không yên” vì sạt lở, buộc lòng gia đình phải mượn tạm đất người quen di dời nhà lên phía trên.
Ông Xuân chia sẻ: “Tôi thấy gần nhà bị sạt lở nên rất sợ. Bây giờ, xung quanh nhà cũng xuất hiện vết nứt nhiều nên bà con, chính quyền địa phương kêu di dời đến nơi an toàn. Rất mong thời gian tới, Nhà nước sớm hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở để chúng tôi an tâm sinh sống”.
Trong khi đó, nhà ông Phạm Văn Quân (57 tuổi) nằm sát khu vực sạt lở chỉ chừng hơn 1,5m. Ông kể: “Hôm đó, tôi có nghe tiếng rắc rắc dưới lòng đất nhưng không ngờ là sạt lở đến mức vậy. Bởi, từ trước tới nay mình có biết đâu. Chỉ ít phút sau, con đường tuột dần dần xuống sông. Mấy nay, gia đình tôi cũng bất an lắm, có ngủ được gì đâu, sợ sạt lở ăn sâu thêm nữa”.
Số vụ sạt lở kỷ lục
Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình hình sạt lở bờ sông. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xảy ra gần 200 vụ sạt lở với tổng chiều dài trên 4.900m (trong đó một nửa là lộ bê tông nông thôn), làm thiệt hại 78 căn nhà.
Hầu hết, các vị trí sạt lở đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân, ước thiệt hại về tài sản gần 14 tỷ đồng.
Hiện nay, tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, hàng ngày nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời. Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương xem xét, hỗ trợ phần kinh phí vượt quá khả năng của tỉnh, với số tiền hơn 246 tỷ đồng.
Về nguyên nhân gây sạt lở, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau nhận định: “Hằng năm, tình trạng nắng nóng kéo dài ở những tháng đầu năm nên đất bị co ngót, tơi xốp.
Khi mưa xuống, đất bắt đầu trương nở, tách khối tạo điều kiện cho dòng thấm đi qua. Đồng thời, một số hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như cất nhà cặp đường giao thông nông thôn thì vô tình chất tải trên nền đất yếu. Thêm nữa, khi nước ròng sát và bà con nuôi tôm lấy nước đầy vuông tôm tạo ra áp lực gây sạt lở”.
Ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi chia sẻ: “Cả năm 2022, trên địa bàn huyện chỉ sạt lở 103 vụ nhưng 6 tháng đầu năm 2023 đã sạt lở 140 vụ và tổng thiệt hại gần gấp đôi so với năm 2022. Từ trước đến nay, đây là năm đầu tiên huyện lại xảy ra sạt lở nhiều đến như vậy”.