Cả làng nhường nhau ruộng nương, đất ở

TP - Chuyện lạ của làng Pơ Ning bên dòng sông Lăng hùng vĩ và thơ mộng chảy qua xã Lăng (Tây Giang, Quảng Nam). Ở đó, người dân sống với nhau bằng tình người đằm thắm, mộc mạc như chính con người của núi rừng hoang sơ 

Cả làng nhường nhau ruộng nương, đất ở ảnh 1 Già Clâu Nhấp (giữa) cùng các già làng bàn chuyện nhường đất cho các tộc họ khác làm nhà tại nhà truyền thống của thôn. Ảnh: Nguyễn Thành 

Cả họ cùng hiến đất, nhường ruộng

Xã Lăng - trung tâm hành chính cũ của huyện Tây Giang nằm trên khu đất bên triền sông. Thôn Pơ Ning của già làng Clâu Nhấp (61 tuổi) xanh đẹp giữa chốn núi rừng. Ở nhà gươl của thôn, già Nhấp cùng các già làng khác đang ngồi bàn chuyện dựng nhà truyền thống cho các tộc họ khác ngay trên chính đất của tộc họ mình.

Một bãi đất rộng như sân bóng đã được san ủi bằng phẳng. Dân làng các tộc họ khác đang hồ hởi góp công, sức vật liệu để dựng nhà truyền thống của tộc họ mình. Ai cũng phấn khởi vì nhà tộc họ mình được dựng quanh gươl - trái tim của làng. 

Già Nhấp và các già làng bàn tính kỹ việc chia đất rõ ràng cho các tộc họ làm nhà. Tất cả phải công bằng, đúng và đủ. Già Nhấp kể rằng, khu đất rộng lớn này trước đây là nương rẫy của tộc họ Clâu thôn Pơ Ning khai hoang, canh tác. Đất bằng phẳng, màu mỡ, hoa màu tươi tốt quanh năm nên tộc Clâu trở thành một trong những tộc họ giàu có, trù phú nhất vùng.

Mấy năm trước, khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai ở vùng biên giới này, trước nhu cầu tái định cư, lập làng, xây dựng làng truyền thống để bảo tồn văn hóa Cơ Tu, tộc họ Clâu họp lại rồi thống nhất: Phải nhường đất để các tộc họ khác cùng có đất ở, cùng sinh sống để xây dựng bản làng sạch đẹp. 

Già Nhấp đi đầu để dân làng cùng noi theo. Già Nhấp cho biết, gia đình nhà già đã hai lần nhường đất cho tộc họ và gia đình khác để ở, dựng làng. Hỏi già hiến, nhường bao nhiêu đất, già Nhấp không tính ra diện tích mà chỉ nhớ rằng: “Đợt một già hiến 200 gốc quế, 200 gốc cam, 40 cây nhãn, 10 cây gió, 2 sào ruộng. Đợt hai già hiến tiếp 40 gốc quế, 40 gốc cam, 30 bụi chuối, 12 cây dó… Tất cả đều hiến tặng, không một đồng đền bù nào. Giờ đất mình dân làng đã dựng nhà cửa đẹp đẽ hết rồi”.

Không chỉ mình già mà gia đình hai người con trai già Nhấp là Clâu Nhóp, Clâu Nhíp cũng nhường đất để dân làng có đất tái định cư.
“Chủ trương xây dựng nông thôn mới để bản làng sạch đẹp nên ai cũng ưng bụng. Trước đây, ai có hiềm khích, ganh ghét nhau gì thì bỏ qua cho nhau để cùng làm ăn sinh sống. Phải có đường, phải có điện thì cuộc sống mới văn minh, đổi thay được” - già Nhấp nói. 

Già làng Clâu Nâm (83 tuổi) một trong những già làng có uy tín nhất huyện Tây Giang, cho biết: Thôn Pơ Ning có 115 hộ thì có đến 95 hộ tham gia hiến đất, nhường đất. Hộ hiến ít nhất 500m2, hộ nhiều hiến lên hàng chục ha đất để dân làng về tái định cư ổn định cuộc sống. Riêng gia đình già Nâm hiến một nửa diện tích đất mà cả gia đình khai hoang trong mấy chục năm để dân làng làm nơi ở mới khang trang sạch đẹp. 

Cả làng nhường nhau ruộng nương, đất ở ảnh 2

Người dân làm nhà trên nền đất vừa được người dân thôn Pơ Ning hiến tặng

Từ việc làm ý nghĩa, đến nay, các tộc họ khác như ALăng, Zơrâm… ở xã Lăng cũng hiến hàng chục ha đất, ruộng vườn để lập làng, mở đường, xây trường, làm nông thôn mới.

Nặng ân tình

Anh ALăng Bốt, 42 tuổi, cùng dân làng đang lợp lại nhà trên nền đất mới. Bốt vui mừng vì không ngờ anh và vợ con có được nơi tái định cư sạch đẹp như vậy. Trước đây, gia đình Bốt sống trong mé rừng, sát bờ sông.

Mùa mưa lũ gia đình phải gồng gánh nhau lên núi vì sợ núi lở, lũ quét bất ngờ. Được người làng Pơ Ning nhường đất, gia đình Bốt và nhiều hộ dân khác không khỏi vui mừng. Về tái định cư với sự hỗ trợ của nhà nước, Bốt và dân làng đã có nhà ở kiên cố, không còn lo mưa bão, ổn định cuộc sống, làm ăn.

“Nếu không có dân làng Pơ Ning nhường đất làm nhà thì gia đình mình không biết bao giờ mới hết khổ cực”, Alăng Bốt tâm sự. Không chỉ có đất làm nhà, Bốt và các hộ dân khác còn được dân làng nhường đất ruộng, nương rẫy để canh tác.

Tương tự, Zơrâm Mia trước đây hay nhậu nhẹt, quậy phá nên có nhiều hiềm khích với dân làng, nhiều người ghét bỏ. Từ khi được các già làng cảm hóa, khuyên nhủ Mia dần tỉnh ngộ, bỏ rượu chè. Lập gia đình, Mia được dân làng Pơ Ning cho đất làm nhà, nhường ruộng để sản xuất. Đến nay gia đình Mia đã ổn định cuộc sống ở nơi ở mới sạch đẹp và khang trang.

Già làng Clâu Nhấp, Clâu Nâm bảo rằng dân làng Pơ Ning bây giờ xem việc hiến đường, nhường ruộng vườn là một trong những tiêu chí để xây dựng con người Cơ Tu mới ở Tây Giang. Mấy năm nay, làng Pơ Ning không còn xảy ra cảnh rượu chè, gây gổ, đập đánh nhau như trước. Thay vào đó là sự đùm bọc, yêu thương, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, đổi thay từng ngày nơi miền biên viễn.

MỚI - NÓNG