Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Du khách bỏ tour

Một khu nhà hàng hải sản ở TP Đồng Hới vắng như chùa Bà Đanh.
Một khu nhà hàng hải sản ở TP Đồng Hới vắng như chùa Bà Đanh.
TP - Những thông tin về cá chết, nước biển nhiễm độc đã gây tâm lý hoang mang cho du khách đặt tour đi biển miền Trung vào dịp nghỉ lễ 30/4.

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị Cty Du lịch Vietravel cho biết, nhiều khách hàng đã gọi điện đến công ty và bày tỏ lo lắng về tour đi biển miền Trung.

Theo bà Hương, hiện, Vietravel  yêu cầu loại bỏ các món ăn liên quan đến hải sản, thay thế bằng các món ăn khác để du khách an tâm tận hưởng chuyến du lịch.

Đại diện Cty Vietrantour xác nhận, trước việc cá chết cận dịp nghỉ lễ 30/4, Vietrantour đã đưa ra hàng loạt giải pháp bao gồm thay đổi thực đơn, chương trình tour, đổi tour, thậm chí hủy tour hoàn tiền cho khách.

 “Vietrantour đang đàm phán với các đối tác khách sạn, nhà hàng, hàng không để chuyển hoặc hủy dịch vụ. Dù thiệt hại vô cùng lớn nhưng Vietrantour cũng đã hủy tour và hoàn tiền cho các đoàn tour đi Quảng Bình, Huế dịp 30/4”, đại diện Cty Vietrantour nói.

Đại diện Cty Luxury Travel cho biết, hiện đã có một số khách đặt và hủy tour đi các tỉnh ven biển miền Trung. Chắc chắn khách du lịch nghỉ biển năm nay đến vùng này sẽ sụt giảm đáng kể do người dân lo ngại vấn đề sức khỏe, không dám tắm. Du khách cũng không dám ăn thủy hải sản vì lo ngại chất lượng an toàn thực phẩm và dịch bệnh. Điều này sẽ khiến cho nhiều nhà hàng, khách sạn có nguy cơ ế ngay cả trong mùa cao điểm (nghỉ hè).

Còn ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (Vitour) cho hay, hiện lượng khách đã đăng ký với Vitour các tour ra khu vực Bắc Trung bộ nhưng thông báo hủy tour đang ngày càng lớn. Khi Vitour giới thiệu các tour đi Huế, Quảng Bình... cho khách mới thì hầu như khách không quan tâm hoặc bảo để đợi cho qua “đợt cá chết” này.

Du lịch Quảng Bình đang “chết” theo cá

Theo đánh giá sơ bộ, tình trạng cá chết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 18 xã chuyên làm nghề biển, với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động. Cá chết cũng khiến cho ngành du lịch được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Quảng Bình điêu đứng. 

Tính sơ bộ, ngư dân thiệt hại trong đợt cá chết này khoảng 115 tỷ đồng, còn đối với ngành du lịch khoảng trên 30 tỷ. Đến nay đã có 30% tour du lịch đến Quảng Bình trong những ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đã đặt cọc bị hủy và sẽ tăng thêm trong một hai ngày tới.

Trong lúc đó, các khách sạn nhà hàng cho rằng, họ đang đối mặt với một tình trạng bi đát chưa từng thấy. Dù đã bước vào mùa cao điểm du lịch nhưng gần như Quảng Bình vắng bóng khách du lịch tắm biển, chỉ thưa thớt ít đoàn tham quan hang động. 

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ẩm là do các cơ quan chức năng quá chậm trễ trong việc tìm và công bố nguyên nhân, nguồn gốc của cá chết, khiến du khách hoang mang.

Chủ khách sạn Anh Linh ở TP Đồng Hới cho rằng: “Du lịch Quảng Bình chỉ làm nửa năm mà ăn cả năm, nên cá chết vào giai đoạn này là điều bi đát nhất. Nhiều người vay tiền đầu tư vào du lịch đang khóc ròng, thậm chí sẽ bị phá sản trong nay mai”.

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn do UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì, nhiều giải pháp đưa ra nhằm cứu vãn du lịch Quảng Bình nhưng xem ra không khả thi như: Thay đổi thực đơn ăn uống, giới thiệu nhiều điểm tắm suối, tắm sông khác… 

“Mấu chốt là khách du lịch đến Quảng Bình, sau khi thăm động thì tắm biển. Nhưng nay biển không tắm được, họ không đến, có thay đổi thực đơn thì cũng không có khách để bán” – chủ khách sạn Ban Mai, TP Đồng Hới nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban thị trường (Hiệp hội Lữ hành Việt Nam) cho biết, hiện, tour du lịch biển miền Trung vẫn có khả năng khởi hành được do chưa có văn bản nào nghiêm cấm việc đưa khách đi biển miền Trung. Các công ty du lịch chắc chắn sẽ thiệt hại sau sự cố cá chết này. Vì vậy, cơ quan chức năng nên sớm có văn bản nói rõ cho người dân việc cấm hay không cấm để khách du lịch yên tâm”, ông Hoan nói.

MỚI - NÓNG