Buôn lậu mùa áp tết, Bài 2: Gian nan cuộc chiến

Các chiến sỹ biên phòng mật phục  ẢNH: HÒA BÌNH
Các chiến sỹ biên phòng mật phục  ẢNH: HÒA BÌNH
TP - Càng về tết, nhu cầu thị trường tăng cao khiến tình hình hoạt động buôn lậu khu vực biên giới trở nên nhộn nhịp bất kể ngày đêm.

Nhộn nhịp ngày đêm

Dọc tuyến biên giới Tây Nam buôn lậu luôn là vấn đề nhức nhối của các ngành chức năng và Kiên Giang được coi là một trong những điểm nóng về vấn nạn này. Hàng lậu ngoài việc được tuồn qua đường bộ, chúng còn được vận chuyển theo đường sông, đường biển. Những mặt hàng được tuồn vào Việt Nam tiêu  thụ chủ yếu là thuốc lá, đường, rượu… Mặt hàng xăng dầu, gỗ chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển thông qua tàu chở hàng hoặc tàu đánh bắt hải sản.

Trong vai khách du lịch, chúng tôi đi vào địa phận Campuchia qua cửa khẩu Hà Tiên. Đằng sau những trường gà, sòng bạc nhộn nhịp nằm sát biên giới là các điểm tập kết… hàng lậu nhộn nhịp ngày đêm. Một tài xế người Campuchia cho biết: Hàng lậu tứ xứ đổ về đây sau đó tìm đường sang Việt Nam. Các anh muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có. Vừa nói vị tài xế này vừa chỉ vào chiếc xe HYUNDAI đang chở khoảng 20 tấn đường Thái Lan tập kết vào một kho hàng sát biên giới.

Ở phía nội địa giáp biên, hàng lậu cũng tràn ngập tại các quầy chợ, quán hàng, tuy nhiên số lượng trưng bày không vượt quá mức phải bị xử lý theo qui định. Khi khách hàng có nhu cầu thì “Muốn bao nhiêu cũng có”. Thậm chí có cả một đường dây đưa tới tận nơi, bất kỳ địa điểm nào ở khu vực miền Tây và cả miền Đông. Khi chúng tôi đặt mua một lượng đường và thuốc lá lớn, bà H. một người dân vùng biên giới nói: Tùy các anh thôi, tự vận chuyển thì có hàng ngay, giá rẻ. Còn nếu giao hàng tận nơi cần phải có thời gian vài ngày. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao đường Thái Lan nhưng sao không có nhãn mác gì? Bà H. cho biết: Khi hàng tập kết ở biên giới Campuchia thì đường được đổ ra thay bao mới hoàn toàn để đánh lừa cơ quan chức năng. Còn chữ “Cúng Chùa” ghi trên bao cũng là để nói dối rằng mình chỉ vận chuyển cho nhà chùa, làm từ thiện thôi….

Tại An Giang, thành phố Châu Đốc được xem là “thánh địa” của mặt hàng đường cát và thuốc lá điếu ngoại nhập lậu các loại vì khu vực này thuận tiện tỏa đi nhiều hướng. Các đầu nậu thường thuê người đi lấy hàng từ kho chứa lớn tại chợ gò Tà Mâu thuộc xã Pund Xang, huyện Praychusa (Tà Keo, Campuchia). Khi chúng tôi sang vùng cận biên phía nước bạn không xa, chứng kiến phía sau trường gà, sòng bạc đang hoạt động nhộn nhịp có gần chục kho hàng, cùng với vỏ lãi đậu nằm chờ sẵn, khi có dấu hiệu an toàn sẽ đưa hàng qua biên giới bất kể ngày đêm.

Buôn lậu mùa áp tết, Bài 2: Gian nan cuộc chiến ảnh 1 Lực lượng biên phòng kiểm tra thuốc lá lậu tại kho                                                                                      

Quay trở về thành phố Châu Đốc, hai mặt hàng chính là đường cát và thuốc lá bày bán tràn lan ở chợ. Hiện tại, đường cát được các tiểu thương bán với giá 13.000 đồng/kg, còn mặt hàng thuốc lá hiệu HERO là 16.000 đồng/gói, JET 20.000 đồng. Khi được hỏi mua với số lượng lớn, chủ cửa hàng chắc như đinh đóng cột: “Luôn sẵn sàng, cần bao nhiêu cũng có”.

Rời chợ Châu Đốc chạy lên khu vực biên giới Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) hoạt động buôn lậu ở đây sôi động không kém. Ông L. ở thị trấn Tịnh Biên, nhà cặp kênh Vĩnh Tế, ngay khu vực buôn lậu chở hàng từ Campuchia về nên ông chứng kiến hàng ngày. Ông nói rằng: “Bây giờ buôn lậu rất phức tạp, diễn ra cả ngày lẫn đêm. Hàng hóa từ Campuchia sang bờ kênh Vĩnh Tế rồi lên xe gắn máy chạy “bạt mạng” tỏa đi nhiều hướng”. Theo lời ông, buôn lậu tập kết cách biên giới hơn trăm mét trên thuyền neo đậu chờ “báo yên” là nhận tín hiệu chạy về bên này chỉ trong vài phút. “Ở đây tình trạng buôn lậu không giảm mà thậm chí còn tăng, về tết hoạt động càng nhộn nhịp. Tôi sống ở đây mấy chục năm nên biết rành, hầu như ngày nào bọn chúng cũng chạy ngang, 24/24h”, ông L. cho hay. 

Túc trực 24/24

Tối 28/11, phóng viên theo chân các chiến sỹ của Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn ở thành phố Châu Đốc mật phục truy bắt buôn lậu. Để tránh bị lộ, mọi việc đi lại của phóng viên được tổ chức bí mật để đánh lừa “chim lợn”. Lãnh đạo Đồn căn dặn: “Bọn chúng rất cẩn trọng, từ đầu đường, cách đồn hơn chục cây số đã có người canh. Phía trước đồn, sau lưng đồn cũng có vài ba người theo dõi. Chỉ cần có người lạ vào đồn bọn chúng sẽ biết ngay”.

Trời tối mịt, phóng viên nhận lệnh vào đồn để chuẩn bị tác nghiệp. Đến 21 giờ, tổ công tác 6 người lên đường bắt đầu làm nhiệm vụ do Đại úy Trần Minh Trí, Đồn phó Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn chỉ huy. Ngoài mật phục như thế này, đơn vị còn cử 5 tổ công tác trực tiếp 24/24h trên đồng để ngăn chặn buôn lậu.

Rời đồn chạy về hướng biên giới khoảng chục cây số rồi rẽ vào một con kênh, nơi buôn lậu thường chở hàng xuống bằng vỏ lãi, chúng tôi phục kích ở bụi rậm. Đại úy Trí cho biết, ở đây là một trong 6 con kênh mà hàng lậu từ Campuchia chạy xuống; ngoài ra, bọn chúng còn đai vác bằng đường bộ. Giữa đồng mênh mông với gió thổi rì rào, cùng đó là “đặc sản” muỗi. Đại úy Trí dặn kỹ: “Muỗi cắn chỉ vuốt nhẹ chứ không được đập tránh tạo ra âm thanh”. 

Thượng úy Lê Văn Cuộc người có kinh nghiệm lâu năm trong việc truy bắt buôn lậu cho biết, nếu mình đậu ở bên ngoài hay chỗ trống thì bọn canh đường sẽ phát hiện ngay nên lúc nào cũng phải núp trong bụi rậm. Vì thế, muỗi cắn, kiến đốt là chuyện thường.

Gần 0 giờ, lực lượng “hoa tiêu” từ phía Campuchia đi trước soi đèn khắp nơi để dò đường. Lúc này, chỉ huy Trí bảo mọi người im lặng, không bật đèn, nằm sát người xuống. Từ xa, bọn dò đường soi đèn tiến đến chỗ mật phục; tuy nhiên lúc này có ánh đèn từ phía trong bờ kênh Vĩnh Tế rọi ngược ra, nhấp nháy đèn rồi lặn luôn. Chỉ huy Trí bảo: “Thua rồi, bọn chúng phát hiện mình mật phục”.

“Nút thắt” chưa lời giải

Trung tá  Lại Xuân Trường, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cho biết, bắt buôn lậu đã gian nan nhưng xử lý còn khó khăn hơn, bởi vì bọn chúng sử dụng xoay vòng hóa đơn. Hàng lậu tập kết ở bờ Campuchia được sang chiết đóng bao có nhãn mác rồi thẩm lậu vào Việt Nam. Nếu khi bắt được thì chúng trưng hóa đơn hợp pháp. “Mình biết đó là hàng lậu nhưng rất khó xử lý, vì thế anh em mật phục, khi vừa sang đến bờ bên mình là vây bắt ngay không để chúng tẩu thoát hay chối cãi được”, Trung tá Trường nói.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Thị trường tỉnh An Giang cho rằng, “nút thắt” lớn nhất trong công tác chống buôn lậu hiện nay là tình trạng sử dụng hóa đơn của nhà máy đường trong nước, đặc biệt là sử dụng bộ hồ sơ bán hàng phát mãi (bản chất là đường cát nhập lậu) để hợp thức hóa. “Các hóa đơn thường xoay vòng bán qua nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp, cá biệt có những doanh nghiệp ở tận khu vực miền Trung, miền Bắc”, ông Hồ nói rồi chỉ ra rằng: “Thực chất các doanh nghiệp này sử dụng đường cát nhập lậu để trộn lẫn với đường cát nội địa thành sản phẩm đường cát được đóng gói bao bì sản phẩm của chính doanh nghiệp mình, sau đó hợp thức hóa đầu vào bằng hóa đơn của các nhà máy đường trong nước”.

(Còn nữa)

11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang kiểm tra, bắt giữ được gần 160 tấn đường cát nhập lậu, tăng 28% so cùng kỳ và xử lý, tịch thu 1.235.756 gói (bao) thuốc lá các loại.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.