Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến tháng 6/2020, đơn vị này đã phát hiện, xử lý trên 26.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 173 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết là các vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, hàng giả. Dự báo của Ban chỉ đạo 389, nửa cuối năm 2020 hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhận diện các vụ việc lớn điển hình từ đầu năm đến nay có thể thấy, buôn lậu đã mang “khuôn mặt mới”. Không còn đơn thuần là mua bán vận chuyển hàng hóa và bị bắt thông thường, mà đều là các vụ “khủng” lớn nhất từ trước đến giờ với đặc điểm hàng được cất kỹ, ẩn nấp tinh vi, ngụy trang vô cùng khéo léo. Đặc biệt, hầu hết các kênh bán của các “kho hàng lậu” này đều đi qua các hình thức như: kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...). Và có dấu hiệu của sự “bảo kê” (?)
Vụ việc tại “kho hàng lậu” rộng 10.000m2 ở Lào Cai là một ví dụ điển hình. Mất 4 ngày đêm kiểm đếm, số lượng sản phẩm bị tạm giữ lên đến 237 đầu sản phẩm các loại, với trên 158.000 sản phẩm. Để niêm phong số lượng hàng hóa này, người ta phải thuê riêng 34 container. Thủ đoạn tinh vi của nhóm đánh và buôn hàng lậu này, đó là lập nhóm bán hàng livestream, nhóm kế toán, thu ngân riêng và ẩn giấu hàng rất kỹ (vị trí ngay gần ga và gần biên giới để dễ vận chuyển hàng). Hay vụ gần 2.000 sản phẩm, mĩ phẩm, thực phẩm chức năng không hóa đơn chứng từ nhập về Việt Nam qua đường hàng không, lợi dụng thời điểm các hãng hàng không bắt đầu khôi phục mạng bay nội địa để đưa hàng vào sâu nội địa, cũng được cất giấu trong các kho chứa chuyên nghiệp.
Theo các cơ quan chức năng, vụ việc đột kích kho hàng lậu tại Lào Cai gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc nắm bắt thông tin và quản lý địa bàn. Điều khiến dư luận “sửng sốt” và thắc mắc đó là thông tin kho hàng lớn này đã tồn tại gần 2 năm như vậy mà địa phương không hay biết (Đặc biệt là danh sách của nhóm đối tượng bị bắt còn có một loại chi phí được kê với nội dung “luật lá” là 20 triệu đồng/tháng).
Sự phức tạp của các vụ buôn lậu thời gian qua được ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT chỉ ra: thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam riêng nội địa có khoảng 65 triệu người sử dụng, chiếm trên 60% dân số cả nước, chưa kể người Việt ở nước ngoài đang trở thành “miếng bánh” béo bở cho tất cả các đối tượng xấu buôn lậu, tiêu thụ hàng và lợi dụng người tiêu dùng để trục lợi.
Buôn lậu mang "khuôn mặt mới", hàng chào bán công khai hơn, hình thức tinh vi hơn, thậm chí thuê cả người nổi tiếng quảng cáo, chào bán trên các trang facebook, zalo cá nhân của họ. Vậy thì biện pháp phòng, chống cũng đã đến lúc buộc phải "cao thủ" hơn. Đề bài cho các cơ quan chức năng là phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội. Thời buổi 4.0, đi kèm với công nghệ sẽ là những hình thức kinh doanh biến tướng. Chỉ có nắm bắt kịp các thủ đoạn tinh vi này, chúng ta mới có thể kiểm soát tình hình, tóm những “mẻ lưới" lớn.