Sảnh lễ tân trong khách sạn Life's thoang thoảng mùi hương vani. Phòng nghỉ có sữa tắm mùi hoa quả và tầm nhìn hướng ra sông, theo Guardian.
"Khách sạn rất tuyệt", một hành khách hài lòng viết nhận xét trên Ctrip, trang web du lịch hàng đầu Trung Quốc. "Thật thú vị khi thấy các doanh nhân Triều Tiên cũng nghỉ ở đây".
Sảnh khách sạn Life's ở thành phố Đan Đông. Ảnh: Guardian.
Tuy nhiên, những đánh giá này không nói hết được toàn bộ câu chuyện. Tòa nhà 20 tầng ven sông này được cho là một trong ít nhất hai khách sạn ở thành phố biên giới Đan Đông được "các đội săn người" Triều Tiên sử dụng, nhằm truy lùng những người đào tẩu khỏi đất nước.
"Họ (điệp viên) ngụy trang nghỉ lại vì công việc nhưng thực chất là thu thập thông tin về người đào tẩu Triều Tiên và lên kế hoạch truy bắt", một nguồn tin trao đổi với Daily NK, báo điện tử có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc.
Chạy trốn khỏi Triều Tiên luôn là canh bạc nguy hiểm, nếu thất bại, số phận của người đào tẩu sẽ tồi tệ hơn. Các nhà hoạt động cho hay Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch bắt giữ những người Triều Tiên lưu vong. Kể từ tháng 7, ít nhất 41 người đã bị bắt trên lãnh thổ Trung Quốc và được trả về, tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) tuyên bố hồi tháng trước.
Một số bị bắt tại huyện Trường Bạch sát vùng biên dài 1.400 km với Triều Tiên. Đối với những người đào tẩu vượt sông Đồ Môn, con sông ngăn cách biên giới hai nước, Trường Bạch là điểm xuất phát của cuộc phiêu lưu dài 6 tuần tới tự do ở Hàn Quốc. Những người khác bị bắt tại vùng tây nam cách xa hàng chục nghìn cây số, gần biên giới dân cư thưa thớt của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.
Sokeel Park, thành viên nhóm Tự do ở Triều Tiên, tổ chức giúp người Triều Tiên đào tẩu, cho biết một số bị bắt khi đang chuẩn bị vượt biên khỏi Trung Quốc sang những nước Đông Nam Á. HRW cho hay những vụ bắt giữ vào mùa hè này bao gồm 11 trẻ em, 4 phụ nữ cao niên và một bé sơ sinh.
Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại quan trọng của Triều Tiên, đã bác bỏ cáo buộc "vô căn cứ" này.
"Những người Triều Tiên xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Trung Quốc không thể coi là người tị nạn. Họ tới Trung Quốc qua con đường trái phép, vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật biên phòng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảnh tuyên bố. Ông nhấn mạnh Trung Quốc đối xử với những người vượt biên trái phép phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế cũng như "các nguyên tắc nhân đạo".
Tuy nhiên, Ji Seong-ho, một người đào tẩu Triều Tiên đang sống tại Seoul, người đang vận động chống lại các vụ bắt giữ, cho rằng Trung Quốc nên để yên cho những người đó bỏ trốn bởi "họ chỉ có hai lựa chọn: tự do hoặc chết".
Khách sạn có tầm nhìn qua sông Áp Lục, sang Triều Tiên. Ảnh: Guardian.
Có khoảng 20.000 người Triều Tiên đã trốn sang Hàn Quốc suốt thập kỷ qua, theo số liệu thống kê chính thức. Họ chạy trốn thông qua cái gọi là "đường sắt ngầm" châu Á, một mạng lưới buôn lậu được đặt tên theo hệ thống chạy trốn của nô lệ Mỹ vào thế kỷ 19. Họ chạy khỏi Trung Quốc tới các quốc gia Đông Nam Á và cuối cùng tới Hàn Quốc, nơi có thể xin nhập tịch.
Park cho hay kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, từ 5.000 người đào tẩu trong 5 năm lãnh đạo cuối của cố chủ tịch Kim Jong-il, số người chạy trốn đã giảm xuống còn 1.500. Con số này có thể vẫn tiếp tục giảm, khi chỉ 593 người chạy trốn thành công trong 6 tháng đầu năm 2017.
"Con số này có thể thấp hơn trong năm nay. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là Trung Quốc siết chặt an ninh", Park nhận xét.
Ji sinh ra và lớn lên ở Hoeryong, thành phố gần biên giới Trung - Triều, thấu hiểu nỗi khổ khi phải chạy trốn qua hệ thống đường sắt ngầm. Ông đã vượt qua sông Đồ Môn năm 2006 và bắt đầu hành trình ba tháng, vượt quãng đường gần 10.000 km chạy trốn qua Trung Quốc, Myanmar, Lào và cuối cùng tới Thái Lan, nơi ông đáp máy bay tới Seoul.
"Đó là trò chơi sinh tử", Ji nhớ lại về những chuyến vượt rừng rậm dài 8 tiếng của mình.
Ông đã giúp khoảng 250 người Triều Tiên thực hiện chuyến đi tương tự kể từ khi trở thành nhà hoạt động. Theo Ji, rủi ro ngày nay lớn hơn, khi Trung Quốc đang đẩy mạnh việc ngăn chặn mạng lưới buôn lậu.
Do Hee-young, một nhà hoạt động tại Seoul, cho biết cảnh sát Trung Quốc đã siết chặt hoạt động ở vùng biên giới, nhắm mục tiêu không chỉ vào những người đào tẩu mà còn vào nông dân và lao động không có kỹ năng đã sống nhiều năm ở Trung Quốc. Do Hee-young đổ lỗi việc này cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
"Kim cảm thấy người đào tẩu là mối đe dọa với chế độ vì họ là dấu hiệu của việc người dân đang rời bỏ đất nước", Ji nói.
Còn ông Park cho rằng Bắc Kinh thực hiện chiến dịch để tránh làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh lâu năm với Bình Nhưỡng, trong lúc vẫn ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
"Nếu Trung Quốc không bắt và đưa những người chạy trốn về Triều Tiên, tôi cho rằng Bình Nhưỡng sẽ còn khó chịu hơn nữa. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm", Park nhận định.
Daily NK cáo buộc cán bộ an ninh Triều Tiên đã sử dụng khách sạn Life's làm cơ sở để thực hiện các chiến dịch truy bắt. Năm ngoái, một người đào tẩu đã bị bắt giữ ở một đoạn Vạn Lý Trường Thành tại Đan Đông.
"Không khí ở địa phương rất căng thẳng", Daily NK trích nguồn tin.
Biển hiệu "Khách sạn mới, cuộc đời mới" trước cổng Life's. Ảnh: Guardian.
Khách sạn ba sao này nhìn ra sông Áp Lục. Bữa sáng được phục vụ ở tầng 9, nơi có tầm nhìn bao quát toàn bộ cầu Hữu nghị Trung - Triều và thành phố Sinuiju của Triều Tiên, luôn đầy thực khách Triều Tiên.
Nhìn bề ngoài, họ giống người làm ăn, đang mải mê liên lạc qua điện thoại thông mình, ngực áo cài huy hiệu chân dung hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Khách sạn đầy người Triều Tiên này không phải nơi lý tưởng để nói chuyện phiếm.
"Tôi không hiểu, không hiểu đâu", một người đàn ông đi giày bóng lộn, mặc quần đen ống rộng và đeo huy hiệu Kim Nhật Thành nói khi phóng viên Guardian hỏi bằng tiếng Trung Quốc về cà phê và kim chi.
Ngoài sảnh khách sạn đầy hương vani, biển hiệu "Khách sạn mới, cuộc đời mới" dường như chế giễu những người tị nạn đang nỗ lực thoát khỏi sự truy bắt của điệp viên Triều Tiên.