Bức tranh người phụ nữ đang tắm bị nhìn trộm

TPO - 4 thế kỷ trôi qua, bức tranh về một phụ nữ trẻ bị hai gã đàn ông lớn tuổi nhìn trộm khi đang tắm do Artemisia Gentileschi vẽ năm 17 tuổi vẫn giữ nguyên giá trị khi phản ánh thực trạng phụ nữ phải sống trong sự coi thường và tủi hổ.

“Đừng kéo tôi nữa. Tôi không phải đồ vật, tôi là một con người” là câu nói gây ám ảnh của Paula Yates, nữ nhà văn kiêm MC truyền hình nổi tiếng hàng đầu nước Anh thập niên 1980-1990, trong bộ phim tài liệu của Channel 4 phát sóng giữa tháng 3.

Dù đoạn phim trên có từ vài thập kỷ trước, những lời của ngôi sao quá cố không chỉ cho thấy ít sự thay đổi mà còn chấp nhận, thậm chí miễn nhiễm, với cách giới truyền thông đối xử tệ bạc với phụ nữ.

Từ Monica Lewinsky đến Britney Spears, có vô số ví dụ về việc phụ nữ bị sỉ nhục và lạm dụng công khai. Liên tưởng về cách thể hiện phụ nữ trong hội họa châu Âu, không ít những tác phẩm trong các phòng trưng bày là về phụ nữ khỏa thân, được ca ngợi đẹp đẽ, nhưng thực tế lại mô tả bạo lực với phụ nữ.

Bức tranh người phụ nữ đang tắm bị nhìn trộm

Một chủ đề phổ biến trong lịch sử nghệ thuật châu Âu là câu chuyện Susanna and the Elders (Susanna và các trưởng lão). Nó nằm trong Apocrypha (Sách Daniel), kể về Susanna, một phụ nữ trẻ xinh đẹp, vợ của Joachim – người giàu có và được kính trọng ở Babylon. Một hôm, khi đang tắm trong vườn nhà, Susanna phát hiện bị hai người đàn ông lớn tuổi (trưởng lão) nhìn trộm. Hai kẻ này say mê sắc đẹp của Susanna, yêu cầu nàng hiến thân nhưng bị từ chối.

Thẹn quá hóa giận, hai kẻ này lợi dụng chức vụ trưởng lão vu khống Susanna quan hệ bất chính với một thanh niên trong vườn. Khi đưa ra xét xử, Susanna bị kết án tử hình bằng cách ném đá tới chết.

Nàng kêu oan với Chúa và được đáp lại. Một cậu bé tên Daniel đã yêu cầu tách 2 trưởng lão ra để lấy lời khai. Lời khai bất nhất giúp Susanna được minh oan và hai kẻ xấu phải trả giá bằng tính mạng.

Bức tranh người phụ nữ đang tắm bị nhìn trộm ảnh 1

Bức Susanna and the Elders của Guido Reni. Ảnh: Sartle.

Đây là câu chuyện đầy bạo lực và đau thương. Tuy nhiên, trong các phiên bản tranh khác nhau, nó thường được lý tưởng hóa và tình dục hóa. Susanna thường được hình dung là người phục tùng, đối tượng cho “ánh nhìn của đàn ông”.

Các nghệ sĩ nam như Guido Reni và Peter Paul Rubens đã miêu tả Susanna gần như mời chào những người đàn ông vào hồ bơi, với tấm vải trượt khỏi cơ thể của cô một cách khiêu khích – khác xa với câu chuyện gốc.

Bên cạnh đó, chi tiết được khắc họa nhiều nhất trong toàn bộ câu chuyện là cảnh Susanna trong trạng thái bán khỏa thân, sắp bị các trưởng lão tấn công tình dục.

The Guardian cho rằng lý do Susanna and the Elders hấp dẫn các nhà sáng tạo nghệ thuật là vì nó cho phép miêu tả phụ nữ lộ da thịt.

Phụ nữ bảo vệ phụ nữ

Artemisia Gentileschi là một trong số ít nữ họa sĩ cho thấy quan điểm rõ ràng về câu chuyện trong Kinh Thánh. Tác phẩm đầu tiên được vẽ vào năm 1610 khi Gentileschi mới 17 tuổi. Mang bầu không khí căng thẳng, người xem có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi của Susanna khi cô quay lưng với hai kẻ xấu. Cô không rụt rè, mời gọi hay thụ động. Susanna của Gentileschi đang kêu lên kinh hoàng.

Tương tự Gentileschi, ở thời hiện đại, phụ nữ có những hành động cụ thể để bảo vệ phụ nữ khỏi sự lạm dụng.

Năm 2018, tại Phòng trưng bày nghệ thuật Manchester (Anh), Sonia Boyce gỡ bỏ tác phẩm Hylas and the Nymphs (Hylas và các nữ thần, 1896) của JW Waterhouse.

Đây là động thái kêu gọi cân nhắc lại những tác phẩm nghệ thuật khắc họa cơ thể phụ nữ. Thời điểm đó, Boyce bị chỉ trích nặng nề nhưng cô không nhượng bộ. Cô tuyên bố cách làm này là "sự khởi đầu của một quá trình, không phải điểm kết thúc".

Năm 2022, Boyce cũng tạo ra Yes I Hear You – bộ phim mang đến tiếng nói mạnh mẽ cho những người từng bị lạm dụng.

Bức tranh người phụ nữ đang tắm bị nhìn trộm ảnh 2

Susanna hoảng hốt khi bị hai gã đàn ông âm mưu cưỡng hiếp trong tranh của Artemisia Gentileschi. Ảnh: Getty Images.

Năm 2016, đạo diễn Joey Soloway đề cập đến khái niệm “nữ tính bị chia rẽ” trong bộ phim truyền hình Transparent: “Đàn ông chia rẽ chúng tôi vì cốt truyện của họ. Họ chia rẽ chúng tôi để có thể kể chuyện về chúng tôi cho những người đàn ông khác”.

Nhà báo Katy Hessel của The Guardian nhận định báo chí nên ngừng bức hại và khiến những phụ nữ như Yates chịu sự tủi nhục. Con người cũng cần những tác phẩm hữu hình trong các phòng trưng bày, thách thức cách xã hội và lịch sử nghệ thuật lập trình chúng ta chấp nhận phụ nữ như đồ vật để tạo ra sự thay đổi.

Theo Guardian
Tin liên quan