Bức ảnh này nằm trong bộ ảnh cưới mà nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp cho vợ chồng ông Dương Trung Kiên năm 2008. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Liên quan sự kiện ngày 10/10 Thư viện Hà Nội trưng bày bức ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn khi chưa xin phép tác giả, một số bạn đọc thắc mắc: Nếu đã là bộ ảnh cưới thì bản quyền bức ảnh thuộc về người chụp ảnh hay thuộc về cô dâu chú rể?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc công ty luật SBLAW cho biết, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về quyền tác giả đối với trường hợp này cho thấy: Tác giả Na Sơn là nhiếp ảnh gia, có nhận lời chụp ảnh cho ông Dương Trung Kiên, ông Dương Trung Kiên đã bỏ ra số tiền là 21 triệu đồng để thuê ông Na Sơn chụp bộ ảnh này thì đã hình thành một hợp đồng dân sự giữa nhiếp ảnh gia Na Sơn và ông Dương Trung Kiên.
Vì vậy, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, ông Dương Trung Kiên sẽ là chủ sở hữu của bức ảnh này, còn nhiếp ảnh gia Na Sơn là tác giả của bức ảnh.
Luật sư Hà nói thêm, ông Dương Trung Kiên là chủ sở hữu tác phẩm, ông Kiên sẽ có quyền tài sản đối với tác phẩm trong đó bất kỳ một bên thứ ba nào muốn sử dụng tác phẩm này thì phải được sự đồng ý của ông Dương Trung Kiên (theo quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ).
Nhiếp ảnh gia Na Sơn chỉ còn lưu giữ quyền nhân thân gồm các quyền quy định tại Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc công ty luật SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh, tác phẩm này dù được in ra hay vẫn còn ở dạng file ảnh (ảnh chưa được in - PV) thì quyền sở hữu tác phẩm vẫn thuộc về ông Dương Trung Kiên, nhiếp ảnh gia Na Sơn có quyền được đứng tên trên tác phẩm đó.
Bất kỳ hình thức xuất bản nào, sử dụng với mục đích nào nếu không được sự đồng ý của ông Dương Trung Kiên thì đều vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Trường hợp Thư viện Hà Nội muốn trưng bày bức ảnh này trong triển lãm nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô thì Thư viện Hà Nội phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm là ông Dương Trung Kiên và phải ghi tên tác giả Na Sơn – người chụp bức ảnh này ở dưới tác phẩm cho độc giả nắm được thông tin.
Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ gồm các quyền sau:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.