'Bùa mê' từ món muối chấm

0:00 / 0:00
0:00
Muối chấm không thể thiếu trên mâm cơm tại các lễ hội của đồng bào Tây Nguyên
Muối chấm không thể thiếu trên mâm cơm tại các lễ hội của đồng bào Tây Nguyên
TP - Trong đời sống của đồng bào bản địa Tây Nguyên, các loại muối chấm đã làm nên hương vị độc đáo và riêng biệt cho từng món ăn. Muối còn là lễ vật cúng trong các lễ hội.

Già Ama Huyên (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) trải qua hơn 80 mùa rẫy chia sẻ, ngày xưa khi cuộc sống còn khó khăn, người dân Tây Nguyên đã biết làm muối tre thay muối ăn. Sống gắn bó với rừng, những món muối chấm được bà con biến tấu giữa các loại lá cây rừng, ớt, côn trùng và muối tạo ra một chén muối chấm để ăn với cơm hoặc dùng cho các món ăn khác. “Muối được dùng nhiều trong các bữa ăn thường là muối lá é, muối kiến vàng, muối tre lá é, muối gừng,… Các loại muối này không chỉ dùng để làm thức ăn mà còn là lễ vật dâng cúng ở các lễ hội. Đây còn là gia vị cho các món ăn truyền thống”, già Ama Huyên nói.

“Các món muối hiện nay đã có mặt ở các nhà hàng, khu du lịch và được xem là món ăn ưa thích của thực khách khi đến Tây Nguyên. Muối trở thành một đặc sản để người ta làm quà cho nhau mỗi khi đến vùng đất này. Món ăn truyền thống mang bản sắc và hương vị riêng của núi rừng qua bàn tay của đồng bào Tây Nguyên, đó là hương vị mộc mạc, chân thành mà họ gửi gắm trong từng món ăn dân dã mà thiên nhiên đã ban tặng”

Già Ama Huyên (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk)

Theo ông Y Phuên MJâu (57 tuổi, huyện Ea Súp), nhắc đến ẩm thực Tây Nguyên người ta thường nhắc muối chấm đi kèm với từng món ăn. Chẳng hạn, muối lá é ăn với cơm lam, gà nướng. Muối kiến vàng là loại được đặc biệt yêu thích bởi sự độc đáo và hấp dẫn của nó. “Kiến vàng thường làm tổ trên cây muồng, cà phê… có vị chua. Khi bắt tổ kiến từ trên cây xuống sẽ được người dân ngâm trong nước muối nhiều giờ, rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn. Sau đó, họ đem kiến cùng với các nguyên liệu như muối hạt, ớt, lá é.. cho vào cối giã nát thành một hỗn hợp dẻo, màu vàng nâu. Muối kiến có thể ăn tươi hay cho vào chảo nóng rang khô để ăn dần. Với món muối kiến, chỉ cần ăn với cơm trắng cũng rất “hao cơm”, ông Y Phuên cho biết.

'Bùa mê' từ món muối chấm ảnh 1

Mỗi loại muối chấm đi kèm với từng món ăn mang lại vị đặc trưng riêng

Gà nướng không thể thiếu chén muối lá é, một loại lá có mùi thơm gần như húng quế. Chén muối chấm không quá cầu kỳ, nhưng lại quện thêm hương vị cho thịt gà. Lá é là loại lá chỉ có ở vùng đất đầy nắng và gió này. Khi làm muối, người ta luôn chọn muối hột, kết hợp với từng trái ớt rừng, từng chiếc lá é có vị chua đậm đà không trộn lẫn vào đâu được. Ngày nay, nhiều người làm muối sả hoặc muối ớt rừng xanh theo đúng chuẩn của đồng bào Tây Nguyên ăn rất hấp dẫn. Quy trình làm muối của đồng bào Tây Nguyên rất công phu, phải được nắng được gió mới ngon.

Theo các già làng nơi đây, các món muối lá é, muối cỏ thơm, muối teng leng được xem là dễ chế biến. Chỉ cần lá é, lá teng leng (lá của một loại cây rừng có thân to mọc nhiều ở Tây Nguyên); cỏ thơm và muối hột, ớt xiêm, lá yao, trộn đều, giã nhuyễn là có một món ăn đầy đủ hương vị cho bữa cơm hàng ngày.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.