Bruce Weigl: Trở về ngôi nhà Việt

Bruce Weigl: Trở về ngôi nhà Việt
TP - Dù nhiều lần trở lại Việt Nam, nhận con nuôi người Việt, thậm chí vừa có chuyến trở lại chiến trường Quảng Trị, nhưng tối 16-12 mới thực sự là cuộc trở về của nhà thơ-cựu binh Mỹ.
 Bruce Weigl ký tặng Sau mưa thôi nã đạn
Bruce Weigl ký tặng Sau mưa thôi nã đạn . Ảnh: T.Toan

Đêm thơ Trở về ngôi nhà Việt kéo dài hai giờ tại Đại học Văn hóa, giới thiệu cuốn thơ- hồi ký Sau mưa thôi nã đạn. Tập sách là nỗ lực của Bruce và Nguyễn Phan Quế Mai- người chuyển ngữ- sau gần sáu tháng.

Trở về ngôi nhà Việt chính là tên phần hai của cuốn sách. Phần một Tiếng hát bom Na-pan tập hợp những bài thơ về Việt Nam, về trải nghiệm liên quan đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Phần hai kể những câu chuyện có thật của Bruce, một nửa trong số đó do Bruce viết riêng nhân ra mắt tập sách.

Đứng trên sân khấu đọc thơ mình, nghe bạn bè nói về thơ và những kỷ niệm mỗi lần gặp gỡ, Bruce Weigl có vẻ chùng xuống, mềm yếu so với dáng vẻ cứng cỏi. Nhà thơ nhiệt tình ký tặng độc giả, cẩn thận ghi tên từng người với những lời đề tặng dễ thương.

Đứng trên sân khấu đọc thơ mình, nghe bạn bè nói về thơ và những kỷ niệm mỗi lần gặp gỡ, Bruce Weigl có vẻ chùng xuống, mềm yếu so với dáng vẻ cứng cỏi.

Ông Nguyễn Như Đắc đến từ Phú Thọ tặng Bruce món quà đặc biệt: Hai chiếc lá ép khô lấy từ rừng Tam Đảo và bài thơ sáng tác tặng riêng Bruce. Bản thân ông Đắc cũng là cựu chiến binh và có làm thơ.

Dù không phải gần một nửa văn giới Việt Nam có mặt trong đêm thơ của Weigl như lời người dẫn chương trình, nhưng có thể điểm mặt tên tuổi như các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Trần Quang Quý, nhà văn Trung Trung Đỉnh, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến… Nhà thơ Hữu Thỉnh ôm hoa từ Hải Phòng đến thẳng đêm thơ. Chưa kể thành viên của nhóm những người viết quốc tế ở Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh dành cho Bruce Weigl lời ca tụng nồng nhiệt: “Trong tập thơ, tôi tìm thấy một chân dung tâm trạng thật sự của Bruce Weigl. Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng cuộc chiến tranh trong tâm trạng anh chưa hề kết thúc.

Tôi đọc thấy tiếng nói, tiếng thở than của một nạn nhân. Nói cho cùng Bruce Weigl cũng là nạn nhân. Chính vì thế những điều anh nói về chiến tranh, về người Việt Nam khiến chúng ta xúc động. Về một phương diện nào đó, chúng ta có thể thấy tập thơ này đi từ bóng tối chiến tranh đến ánh sáng lòng nhân ái”.

Các nhà thơ Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến bước lên sân khấu đọc thơ của người bạn Mỹ. “Xuyên qua rừng rậm, xuyên qua cao nguyên/xuyên qua tất cả cái chết xanh/tôi chạm vào những ngón tay mình/vào nụ hôn cha tôi” (Nụ hôn) là dòng hồi tưởng cảm xúc đầu tiên khi cầm trong tay tờ lệnh nhập ngũ.

Bruce Weigl: Trở về ngôi nhà Việt ảnh 2

Những dòng thơ của Tết đến, Kỷ niệm ngày được tha thứ, Tiếng hát bom Na-pan, Con của bố, Lý thuyết hai sự thật, Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ da diết trải nghiệm chiến tranh. “Chiến tranh đã ăn ruỗng tôi/tôi không thể chạm vào ai được nữa/Ngọn gió thổi xuyên qua tôi đến nơi xanh thẳm/nơi họ vẫn ngã xuống trong biển máu/Tôi vẫn nghe tiếng họ, đêm đêm” (Kỷ niệm ngày được tha thứ).

Được đánh giá là một trong những cựu binh Mỹ cống hiến lớn cho sự hàn gắn quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh, Bruce Weigl khôn khéo trả lời câu hỏi của một nhà phê bình: Anh viết có phải vì sự thôi thúc của hội chứng sau chiến tranh? “Hôm nay tôi không muốn đứng đây để nói về nỗi đau nhỏ bé của mình. Tôi biết ở Việt Nam bây giờ còn rất nhiều người phải hứng chịu đau khổ, di chứng chất độc da cam”.

Cùng với các cộng sự ở Trung tâm William Joiner (ĐH Massachusettes), Bruce Weigl đóng góp xây dựng bệnh viện, đưa thuốc men về vùng khó ở Việt Nam. Ông cùng dịch giả Quế Mai tuyên bố tặng số tiền bán sách để giúp đỡ trẻ em nghèo.

Giáo sư Bruce Weigl được ca ngợi như hiện tượng thơ ca Mỹ, ông từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị trong hai năm 1967, 1968, sau này không thôi day dứt vì những điều chứng kiến. Nên nhiều người cho rằng, thơ của Bruce Weigl dường như được viết bằng máu và nỗi đau.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG