Bphone vừa tự tin, vừa sợ sệt khi tiếp cận thị trường

Khả năng cạnh tranh của Bphone vẫn bị các nhà bán lẻ nhìn nhận chưa mấy lạc quan. Ảnh: Lê Hiếu.
Khả năng cạnh tranh của Bphone vẫn bị các nhà bán lẻ nhìn nhận chưa mấy lạc quan. Ảnh: Lê Hiếu.
Nhà bán lẻ cho rằng, Bkav tuy tự tin về chất lượng sản phẩm nhưng còn dè dặt trong khâu bán hàng. Điều này thể hiện qua cách phân phối và định giá.

Một ngày sau buổi ra mắt smartphone của Bkav, "hiệu ứng Bphone" vẫn tiếp tục lan truyền trên diện rộng. Giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và ném đá, các nhà bán lẻ vẫn chưa hết hoài nghi về cách Bphone đến tay người dùng Việt. Bởi lẽ, theo mô hình "4P" trong lý thuyết marketing hỗn hợp, Bkav gặp vấn đề với 3/4 yếu tố, gồm sản phẩm, giá bán và cách phân phối. Yếu tố còn lại là cách quảng bá đã được số đông nhìn nhận tích cực.

Về yếu tố sản phẩm, trao đổi với báo chí, các chuyên gia công nghệ nhận xét Bphone chưa đạt đến tầm "đẳng cấp thế giới" như phía Bkav nhận định. Theo anh Trần Mạnh Hiệp, quản trị viên diễn đàn Tinh Tế, một trong những người đầu tiên trải nghiệm Bphone tại sự kiện sáng 26/5, độ hoàn thiện sản phẩm của Bphone không được như anh kỳ vọng. Chẳng hạn, điểm tiếp giáp giữa khung và mặt kính nhiều chỗ bị lệch. Loa ngoài có phần nham nhở. Tuy nhiên, chuyên gia này đánh giá cao chất lượng màn hình của Bphone và mặt kính sapphire chống trầy xước cho cụm camera.

“Về thiết kế, Bphone yếu thế hơn so với những điện thoại thông minh đầu bảng. Tuy nhiên, nếu xét đây là chiếc điện thoại đầu tiên của một công ty không chuyên thì rất đáng khen”, anh Hiệp chia sẻ.

Tuy có phần cứng chưa thực sự trau chuốt, nhưng hệ điều hành bên trong của Bphone nhận được nhiều lời khen ngợi. Những người đã trải nghiệm qua sản phẩm này đánh giá cao giao diện, hệ thống điều khiển bằng cử chỉ và những tiện ích phù hợp với người Việt. Xét tổng thể về mặt sản phẩm, Bphone phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng, nhưng để "nhất thế giới" như Bkav từng tuyên bố, có lẽ sản phẩm này vẫn chưa đủ tầm.

Xét về giá bán, đại diện các đại lý trong nước đều cho rằng mức 11 triệu sau thuế VAT của Bphone (phiên bản thấp nhất) hơi cao. Bởi lẽ, khi một sản phẩm tiếp cận thị trường, hãng có hai lựa chọn: hoặc định giá thật cao để bán "hớt váng", kiếm nhanh lợi nhuận, hoặc định giá thấp nhất có thể để loại bỏ các đối thủ đang cạnh tranh bằng giá, xâm nhập sâu vào thị trường. Bphone không "hớt váng", cũng không "xâm nhập". Mức giá mà Bkav đưa ra nằm ở lưng chừng giữa nhóm trung và cao cấp, ngang với những siêu phẩm một thời như LG G3, Xperia Z2, iPhone 5S.

"Giá có hơi cao một chút, nhưng còn phụ thuộc vào trải nghiệm người dùng. Nếu so về kiểu dáng, chất liệu, cấu hình thì mức giá này có thể chấp nhận được", ông Nguyễn Anh Văn, chủ một hệ thống kinh doanh di động lớn tại TP HCM và Hà Nội chia sẻ.

Xét về kênh phân phối, việc Bkav chọn cách bán trực tuyến là một quyết định vừa có lợi vừa bất lợi. Theo ông Văn, lợi thế của bán hàng trực tuyến là Bkav có thể chủ động được nguồn hàng dựa trên số lượng đơn đặt hàng, tránh tồn kho, đồng thời đo lường được phản hồi của thị trường. Nhưng đổi lại, người dùng không có cơ hội trải nghiệm sản phẩm trước khi mua.

Để giải quyết bài toán "trải nghiệm", Bkav tuyên bố cho khách hàng 14 ngày dùng thử sau khi mua, nếu không hài lòng có thể mang trả lại máy. Tuy nhiên, giải pháp này được cho là không đủ thuyết phục người dùng bỏ ra số tiền 11 triệu đồng để mua qua mạng một sản phẩm "nội" chưa rõ chất lượng.

Như vậy, theo mô hình 4P (Product: sản phẩm, Price: giá, Place: kênh phân phối, Promo: quảng bá), Bkav hiện làm tốt nhất khâu cuối.

Về sản phẩm, Bphone chưa phải "nhất thế giới" và cũng không phải model dẫn dắt thị trường như iPhone. Chất lượng và trải nghiệm vẫn còn là dấu hỏi. Về giá bán, Bphone còn gây nhiều tranh cãi. Về kênh phân phối, chiếc điện thoại này chỉ được bán trực tuyến và người dùng chỉ có thể mua bằng "niềm tin" mà không được trải nghiệm trước.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, đại diện hệ thống kinh doanh di động lớn nhất cả nước, "cửa thắng" ở mảng kinh doanh trực tuyến khá thấp khi cả Xiaomi hay Huawei đều chưa thành công với phương thức bán hàng trực tuyến tại Việt Nam.

Bphone vừa tự tin, vừa sợ sệt khi tiếp cận thị trường ảnh 1

Bphone được số đông ủng vộ vì là sản phẩm đầu tiên sản xuất tại Việt Nam. Nếu có cách tiếp cận tốt với thị trường, model này được dự đoán sẽ thành công. Ảnh: Lê Hiếu.

"Cách kinh doanh tại Việt Nam là tạo niềm tin từ khách hàng. Sự kiện hào nhoáng hay cấu hình mạnh chưa thể nói lên được điều gì", ông Mai Triều Nguyên, giám đốc hệ thống bán lẻ di động lớn chia sẻ. Để giải quyết vấn đề "niềm tin", ông Nguyễn Anh Văn cho rằng Bkav cần liên kết với một đại lý duy nhất để triển khai chương trình trải nghiệm sản phẩm cho khách hàng. Nếu làm việc với nhiều đại lý cùng lúc, mô hình bán trực tuyến của Bkav sẽ không đi đúng hướng.

Ai sẽ mua Bphone?

"Những người đứng tuổi, đã có smartphone và có nhu cầu trải nghiệm thêm một sản phẩm Việt sẽ là đối tượng khách hàng chính của Bphone", ông Văn nhận định. Trong khi đó, ông Mai Triều Nguyên cho rằng nếu Bkav có cách làm "trẻ, hợp thời, đúng bài", nhiều đối tượng khách hàng có thể tìm đến sản phẩm này.

Nhìn nhận dưới một góc độ khác, ông Võ Đỗ Thắng, một chuyên gia an ninh mạng tại TP HCM cho rằng Bphone hiện có một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn ở Việt Nam vì được giới thiệu là "chiếc smartphone an toàn nhất thế giới, không quảng cáo, không mã độc, không nghe lén" .

"Quốc hội đang bàn cách thông qua Dự án Luật An toàn thông tin do Bộ Thông tin & Truyền thông soạn thảo. Nếu có quy định công chức nhà nước sử dụng điện thoại Việt Nam, Bkav chỉ cần bán 10% trong số đó thì đã được hơn 200.000 chiếc, con số đáng mơ ước của những thương hiệu điện thoại trong nước", ông Thắng dự đoán.

Theo Theo Zing.vn
MỚI - NÓNG