Ngày hè đẹp trời 2008, Mason 11 tuổi cùng chị Samantha và bố đi cổ động cho Obama bằng cách mang các biểu ngữ nhỏ đặt trước cửa nhà dân. Boyhood mô tả chân dung của hai phe. Một ông bệ vệ nói với Mason khi cậu gõ cửa xin phép đặt biển: “Trông tao có giống người ủng hộ Obama không hả, xéo ngay không tao bắn!”. Một phụ nữ dáng vẻ nhẹ nhõm tỏ ra vui mừng khi biết bọn trẻ không đi theo tổ chức của trường mà là của nhà, và nói: “Tôi yêu ông ấy chết đi được, trong mơ tôi toàn hôn ông ấy!” . Ông bố, Mason Sr. tất nhiên rất thích khi “sai bảo” được bọn trẻ. Ông còn xúi Mason nhổ biển của phe đối lập và thanh minh với con gái: “Bố yêu nước, mà đôi khi trong đời ta cũng phải đấu tranh!” .
Boyhood là như thế, chẳng khác nào nhật ký về nước Mỹ, thông qua sự trưởng thành của một chàng trai. Phim cống hiến cho những người tò mò về nước Mỹ những sự thật từ nhỏ đến to. Chẳng hạn bọn trẻ con cấp hai trước giờ học đầu tuần không chỉ phải hát quốc ca mà còn bang ca với những lời lẽ hết sức cụ thể chỉ rõ bổn phận, trách nhiệm công dân. Sự dân chủ thể hiện ngay trong gia đình. Trước khi chuyển nhà, chị mẹ Olivia hỏi ý kiến hai đứa con học lớp 1 và 2 như người lớn. Và khi con từ chối, mẹ cũng ra sức thuyết phục như thật. Nhân sinh nhật tuổi 15, cháu trai được ông nội tặng cho khẩu súng săn. Sau đó ông nội dạy cháu trai cách bắn luôn, trong khi bố dạy con gái bắn súng lục(!)
Tuy nhiên điểm này Boyhood cho thấy gia đình Mỹ cũng chả khá hơn gia đình Việt: Không bao giờ thấy mẹ con ôm hôn an ủi nhau, mà thường thấy cảnh Samantha cự nự, đòi hỏi, yêu sách. Olivia nói chung mạnh mẽ nên cũng tỏ ra không cần con cái quan tâm. Sự chăm lo của chị có cảm giác mang tính trách nhiệm hơn là tình cảm. Và khi đã hoàn tất trách nhiệm của mình, chị ngồi đó phát khóc khi các con háo hức được bay nhảy chả để ý gì đến những gì mẹ chúng đã và đang trải qua. Bố thỉnh thoảng đến thăm con thành ra lại sướng vì toàn được đi chơi, cắm trại với lũ trẻ. Mason Sr. về sau nói với hai con nếu Olivia kiên trì và thấu hiểu hơn thì chắc họ đã không ly dị. Nhưng bà mẹ lại thuộc kiểu người chỉ có thể phát huy các tố chất bản thân nếu sống độc lập.
Phim khắc phục mọi chất vấn về ngoại hình nhân vật theo thời gian do đã dành ra hẳn 12 năm song hành với dàn diễn viên. May không ai bị gì ảnh hưởng đến việc làm phim. Đạo diễn Richard Linklater còn nói trước với vai bố Ethan Hawke là nếu chẳng may tôi chết nửa chừng thì ông phải hoàn thành nốt phim. May mắn là Linklater vẫn làm tất và được tưởng thưởng bằng 3 giải Đạo diễn Xuất sắc tại LHP Berlin, BAFTA và Quả Cầu Vàng.
Mỗi năm đoàn làm phim họp nhau lại quay 3-4 ngày. Mất thêm hai tháng tiền kỳ và một tháng hậu kỳ. Kịch bản nhiều khi đêm trước khi quay mới chốt. Ngoài căn cứ vào những gì đã quay năm trước, còn ứng dụng luôn trải nghiệm trong năm của diễn viên. Như nhân vật Mason Sr. dựa theo chuyện đời bố đạo diễn, còn đời Olivia dựa theo chính mẹ của Patricia Arquette- người giành giải Oscar nhờ vai Olivia.
Xuyên suốt câu chuyện chính là 4 thành viên của gia đình Mason và những gì xảy ra với họ. Nói chung nhịp phim chính là nhịp đời. Éo le thách thức không thể không có nhưng bao giờ cũng ở mức con người ta giải quyết được. Kiểu nhân vật trong phim cũng rất hay, đa chiều và linh hoạt tuy nhiên vẫn nổi lên những cá tính và hạn chế riêng. Có nghĩa là không ai tốt cả hay xấu cả, đúng sai cũng chỉ là tương đối.
Xem phim như kiểu đang chui vào trong nhà người ta chứng kiến các chuyện là cái thú riêng chỉ Boyhood mới có thể đem lại. Phim là bằng chứng cho thấy cuộc sống đời thường hoàn toàn có thể là một kiểu chất liệu sống động, độc đáo và hay ho không kém gì những chuyện phi thường kỳ ảo mà chúng ta có thể tưởng tượng ra.