BOT vây hãm Khu kinh tế Hòn La

Trạm thu phí BOT Tasco đặt tại xã Quảng Phú khiến Khu kinh tế Hòn La bị ảnh hưởng.
Trạm thu phí BOT Tasco đặt tại xã Quảng Phú khiến Khu kinh tế Hòn La bị ảnh hưởng.
TP - Nằm lọt thỏm giữa 2 trạm thu phí, chỉ cách nhau chừng 20km, Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình) đang phải đối mặt với bao khó khăn vì bị BOT vây hãm. Nhà đầu tư mới thì sợ vướng BOT, chi phí đội lên cao, kinh doanh không hiệu quả; nhà đầu tư cũ thì kêu trời, thậm chí đóng cửa nhà máy.

Tác động xấu lên khu kinh tế trọng điểm

Khu kinh tế Hòn La, nằm ở phía Bắc Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008. Mục tiêu đặt ra, đây sẽ là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, cảng biển, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm ngư nghiệp.

Với diện tích 10.000ha, trải dài trên địa bàn 6 xã ven biển thuộc huyện Quảng Trạch, Khu kinh tế này là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Bình, có các điều kiện về hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ; có vai trò đầu tầu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển cho các vùng khác.

Cấu trúc phát triển không gian của Khu kinh tế Hòn La theo 3 trục giao thông chính gồm quốc lộ 1, đường phía Tây và đường ven biển; hướng phát triển tập trung bám sát khu vực cảng phía Bắc của Khu kinh tế, trong đó Cảng biển nước sâu Hòn La là hạt nhân của Khu kinh tế. Theo chiến lược phát triển, đến năm 2020, Khu kinh tế Hòn La có quy mô dân số khoảng 58.000 người và đến năm 2030 tăng lên khoảng 76.000 người.

Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng Ban quản lí Khu Kinh tế Quảng Bình cho biết: BOT, thực sự đang gây khó khăn cho mục tiêu phát triển của Khu kinh tế Hòn La. Trước đây trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang, sang năm 2015 thì có thêm trạm thu phí QL 1 của Tasco đặt ở xã Quảng Phú. Hai trạm thu phí này chỉ cách nhau chừng 20km, còn Khu kinh tế Hòn La thì nằm lọt thỏm ở giữa. Mới đây, trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang dừng hoạt động vì hết thời hạn.

Mặc dù còn lại một trạm thu phí, nhưng lại đặt ngay “yết hầu” của các tuyến đường đổ về Khu kinh tế Hòn La, nên tác động xấu lên các hoạt động của khu kinh tế trọng điểm này. Các nhà đầu tư mới thì nghi ngại phải gánh thêm chi phí vì BOT, còn các nhà đầu tư cũ thì kêu trời, thậm chí dừng hoạt động vì thua lỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Sang, Giám đốc điều hành Cty Thanh Thành Đạt chuyên sản xuất gỗ dăm xuất khẩu cho biết: Nhà máy chế biến gỗ dăm của ông nằm ngay sát trạm thu phí của Tasco, cả đầu vào và đầu ra đều phải trả phí, khiến chi phí sản xuất bị đội lên cao so với trước khi có trạm. “Mỗi chuyến xuất dăm gỗ, chúng tôi chỉ sử dụng 7km đường của Tasco, nhưng phải trả phí cho toàn tuyến đường của họ, bình quân mỗi tháng mất hơn 135 triệu đồng” – ông Sang nói.

Ông Lê Nam, Giám đốc Cty TNHH TM Lê Dũng Linh có lĩnh vực xuất nhập khẩu bò thịt qua cảng Hòn La cho biết: “Trại bò của chúng tôi nằm trên đường cụm công nghiệp Văn – Châu - Tiến Hóa, sử dụng đường của Tasco rất ít, chừng 10 cây số, nhưng bị ép mua vé toàn bộ tuyến hơn 30km. Trạm Tasco nằm đó thực sự đang làm khó sự phát triển kinh tế của Quảng Bình và vùng phụ cận, phải di dời ra vùng giáp với Đèo Ngang hoặc vào cầu Gianh để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển trong khu kinh tế Hòn La, nếu không Khu kinh tế này khó đi lên”.

Hòn La… kêu trời

Cảng nước sâu  Hòn La nằm trong Khu kinh tế Hòn La có năng lực bốc dỡ hàng hóa hơn 2 triệu tấn mỗi năm. Thời điểm cao nhất của cảng này khi chưa có BOT Tasco đạt hơn 1,5 triệu tấn. Vào năm 2016, các doanh nghiệp đối tác cố đi qua trạm để hạch toán thì cảm thấy lỗ nhưng vì đã ký hợp đồng qua cảng nên cảng nước sâu Hòn La vẫn duy trì công suất 1,5 triệu tấn. Sang năm 2017 thì tình hình bắt đầu xấu đi, các doanh nghiệp vận tải xi măng, clanhke không còn ký hợp đồng với cảng, họ sợ vé qua BOT Tasco làm đội phí vận chuyển.

“Mỗi xe chở hàng qua trạm thu phí mua vé hai chiều phải đóng 360.000 đồng, chiếm 23% chi phí vận chuyển. Các đối tác chở xi măng, than đá, clanhke lập tàu trung chuyển ngoài khơi cửa sông Gianh của thị xã Ba Đồn bằng tàu thủy nội địa, chúng tôi giảm chi phí bốc dỡ qua cảng hết mức nhưng họ không đến” - ông Hoàng Tuấn, Giám đốc cảng Hòn La nói.

Tình hình bốc dỡ qua cảng Hòn La năm 2017, theo ông Tuấn là rất èo uột, cố gắng lắm thì hết năm 2017 cũng chỉ chưa đến 900.000 tấn, dưới 50% năng lực, không đủ duy trì chi phí. Một doanh nghiệp vận chuyển clanhke cho biết: “BOT Tasco ăn vào lợi nhuận quá nhiều nên chúng tôi từ bỏ cảng Hòn La để trung chuyển qua sông Gianh. Tuy cơ sở hạ tầng không như cảng Hòn La nhưng ít nhất giảm chi phí mua vé vì đi chục cây số mà trả toàn tuyến là hết sức vô lý”. 

Ông Võ Quang Đạt, Chủ tịch Mặt trận xã Quảng Đông nói: “Lúc tôi làm Chủ tịch UBND xã, Tasco xin đặt trạm thu phí tại Quảng Đông nhưng xã không đồng ý vì quá gần trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang. Chỉ có 7 cây số mà 2 trạm liên tục nên dân không đồng ý. Với vị trí đặt ở xã Quảng Phú thì lại quá bất tiện nữa, hạn chế sự phát triển của Khu kinh tế Hòn La. Cần di dời vào khu vực sông Gianh là hợp lý. Nằm ở Quảng Phú là chặn lối để tận thu”.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A phía Bắc tỉnh Quảng Bình dài 32 km, đi qua một phần huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch, do Cty TNHH MTV Tasco Quảng Bình làm chủ đầu tư với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Sau khi thông xe vào tháng 6/2015, trạm thu phí đặt tại xã Quảng Phú (Quảng Trạch), thời gian thu phí 22 năm. Sau 2 năm đi vào thu phí, đoạn đường của Tasco quản lí xuống cấp nghiêm trọng trên toàn tuyến. Nhiều điểm hằn lún bánh xe 2 - 3cm. Đặc biệt, ở đoạn qua cầu Gianh (huyện Bố Trạch) xuất hiện nhiều vết lún sâu.

MỚI - NÓNG