Bóng hồng trong buồng lái

Antonette Parucha trong buồng lái
Antonette Parucha trong buồng lái
Công việc của một phi công đầy thách thức ngay với cả sức vóc của một nam giới, vậy điều gì đã “hấp dẫn” phụ nữ làm công việc vốn không được tạo ra để dành cho mình? Câu chuyện của nữ phi công Antonette Parucha của Vietjet phần nào hé lộ về công việc đầy thách thức với phái nữ này.

Giấc mơ bay của con gái cận vệ tổng thống

Antonette Parucha là con gái của một cựu đại tá và một nữ doanh nhân sống tại Manila, Philippines. Cha cô nguyên là sỹ quan trong đội cận vệ của Tổng thống Philippines, cô có một người anh trai và một cô em gái nhưng chỉ duy nhất mình Antonette Parucha chọn nghề phi công và làm việc xa nhà.

Là con gái nhưng khi còn học Trung học và Cao đẳng tại Manila, Antonette Parucha lại mê các môn thể thao như taekwondo, wushu và đấu kiếm. Thậm chí, cô còn thi đấu ở các giải quốc gia. “Tôi chưa từng mơ và cũng chẳng có tham vọng làm phi công”, cô gái 33 tuổi sôi nổi kể về thời còn là học sinh. Trở thành một phi công đối với cô có lẽ là do duyên phận. Cái duyên đưa Antonette Parucha đến với nghiệp bay thật tình cờ khi cô thấy một nữ sinh mặc đồng phục phi công vì nhà cô ở gần sân bay. “Nó quá đẹp và từ giây phút đó tôi đã khao khát được mặc đồng phục đó lên mình”, Antonette Parucha cười tươi, gương mặt xinh đẹp của cô sáng lên đầy thu hút.

Bóng hồng trong buồng lái ảnh 1

Antonette Parucha (phải) và Phương Anh, nữ đồng nghiệp người Việt

Và rồi Antonette Parucha đã chọn học chuyên ngành vận tải hàng không với các kỹ năng chủ yếu về điều hành và điều phối bay. Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục ghi danh khóa học lái máy bay và tiếp tục học tập để mở rộng kiến thức chuyên ngành. Trong số 9 sinh viên theo học chuyên ngành này, Antonette Parucha là sinh viên nữ duy nhất. Cuối khoá học, chỉ có 3 sinh viên được cấp chứng chỉ, trong đó có Antonette Parucha.

“Nhận chứng chỉ vận tải hàng không nhưng tôi hiểu không phải dễ dàng có thể tham gia các công ty hàng không bởi quy định đặc thù của nghề về thời gian bay, kinh nghiệm bay. Vì thế, tôi quyết định học thêm chứng chỉ điều phối bay và trở thành nhân viên điều phối bay của một công ty hàng không tư nhân ”, Antonette Parucha bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đi làm.

Những ông chủ của hãng hàng không này đều là phi công nên họ nhanh chóng nhận ra tố chất phi công của Antonette Parucha và khuyến khích cô học thêm để lấy chứng chỉ phi công. Sau khi nhận chứng chỉ, cô làm hai công việc một lúc: làm phi công bán thời gian và nhân viên điều phối bay. Nhưng khi đã ngồi trong buồng lái, Antonette Parucha cảm thấy như có tiếng gọi thôi thúc cô gắn bó mãi mãi với nghề phi công. Cuối cùng, cô quyết định bỏ nghề điều phối bay và trở thành phi công cho các chuyến bay, đồng thời là giảng viên bay.

“Là một người hướng dẫn chuyến bay, tôi đã đạt được những kỹ năng mới và học được rất nhiều trong khi tôi đang chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của tôi cho các sinh viên. Bất cứ khi nào tôi trao cho học sinh quyền bay solo (bay một mình), tôi luôn thấy hạnh phúc và tự hào vì tôi đã góp phần đào tạo một phi công”, Antonette Parucha chia sẻ.

Gia nhập ngành hàng không Việt

Bước ngoặt lớn của Antonette Parucha là khi được bạn giới thiệu với hãng hàng không mới của Việt Nam là Vietjet Air. “Tôi vốn không có kế hoạch làm việc bên ngoài đất nước của tôi, nhưng vì tò mò và muốn thử sức nên tôi đã nộp đơn vào Vietjet”, Antonette Parucha tâm sự và cho biết thêm cô đã vượt qua các yêu cầu tuyển dụng khắt khe và trở thành nữ phi công của Vietjet.

Bóng hồng trong buồng lái ảnh 2

Antonette Parucha (phải) trong tà áo dài Việt Nam

Sống xa gia đình và làm việc tại một môi trường mới với nhiều điều mới lạ mà cô chưa từng trải qua ở đất nước mình nhưng Antonette Parucha vẫn hoàn thành tốt công việc bởi Vietjet đã giúp cô nhận ra được khả năng làm việc cho một hãng hàng không luôn bận rộn và trong một môi trường vốn thuộc về giới mày râu. “Kỷ luật đã được khắc sâu vào tôi từ khi học trung học, qua các môn thể thao taekwondo, wushu và đấu kiếm giúp tôi rất nhiều để có thể làm việc với khả năng tương đương như các đồng nghiệp nam”, Antonette Parucha tự hào.

Buồng lái máy bay lâu nay vốn được coi là “lãnh địa” của nam giới. Bởi vậy, hình ảnh một cô gái duyên dáng điều khiển “con chim sắt khổng lồ” luôn khiến cho mọi người phải ngạc nhiên xen lẫn thán phục. Antonette Parucha cho biết, cô thường xuyên bắt gặp ánh mắt tò mò xen lẫn ngạc nhiên, thán phục khi thấy cô ngồi trong buồng lái. Mỗi lúc như vậy, Antonette Parucha luôn đáp lại bằng một nụ cười. “Tôi muốn qua nụ cười của mình đảm bảo cho hành khách một niềm tin rằng họ sẽ có một chuyến bay an toàn và cảm ơn hành khách đã tin tưởng bay cùng với tôi”.

Antonette Parucha kể, với cô, mỗi khi máy bay hạ cánh, cùng phi hành đoàn tiễn hành khách ở cửa ra máy bay, nụ cười hài lòng, vui vẻ của hành khách chính là phần thưởng vô giá. “Nó truyền cảm hứng cho tôi nhiều hơn để tôi tiếp tục công việc của mình”, cô con gái của cựu sỹ quan an ninh tổng thống Philippines cứng cỏi chia sẻ nhưng lại mềm mại kể mình thích đi du lịch và nếm những món ăn ở các vùng đất khác nhau. ‘Khi trở về nhà, tôi thích nấu những món ăn mới cho cả gia đình thưởng thức, tôi đang hạnh phúc với những gì đang có”, nữ phi công 33 tuổi cười rạng rỡ trước lúc chia tay bởi giờ bay đã tới rồi.

MỚI - NÓNG