Bồng bềnh Cấm Sơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặt trời đỏ ửng khuất dần sau dãy núi nhấp nhô bên hồ Cấm Sơn ở miền thượng du của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Màn sương trắng đục xuất hiện cũng là lúc những người làm nghề chài lưới ban đêm trên mặt hồ bắt đầu cuộc mưu sinh.

Trắng đêm săn cá

Với sự giúp đỡ của lãnh đạo xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tôi có dịp đi săn cá đêm cùng với cánh chài lưới trên hồ Cấm Sơn. Mặt trời lặn hẳn, trăng ẩn hiện bên sườn núi, cái rét vùng sơn cước dần lạnh thấu về đêm. Anh Nguyễn Văn Tạo, một tay chài lưới thâm niên trên hồ Cấm Sơn chuẩn bị đồ nghề cho một đêm đánh cá. Anh cùng tôi chèo thuyền ra giữa lòng hồ cách bờ hơn chục cây số, rồi rẽ vào một khe nước, xung quanh là những ngọn núi cao để bắt đầu công việc.

Nhanh tay thả lưới, anh bảo, theo kinh nghiệm, đêm nay khe nước này sẽ có nhiều cá. “Ông cụ thân sinh ra tôi cả đời buồn vui gắn bó với con nước ở hồ Cấm Sơn bằng nghề chài lưới. Từ nghề đánh cá, bố tôi nuôi chúng tôi khôn lớn, rồi dựng vợ gả chồng cho các con. Đến nay, dù tuổi cao, nhưng ông vẫn lặn lội đánh bắt cá trên hồ Cấm Sơn. Đời tôi vẫn nối nghiệp cha mưu sinh với nghề này”, anh Tạo mở đầu câu chuyện.

Anh Tạo chia sẻ, ngày còn nhỏ, anh đã theo cha lênh đênh trên thuyền rong ruổi khắp các ngóc ngách ở hồ Cầm Sơn để đánh bắt cá vào ban đêm. Năm nay, anh bước sang tuổi 41, nhưng có hơn 20 năm sống với nghề chài lưới. Bởi vậy, nghề này như ngấm vào máu anh. Lớn lên lấy vợ, anh ra ở riêng và sắm thuyền cùng ngư cụ tiếp tục với nghề đánh cá đêm ở hồ Cấm Sơn.

Vừa dứt lời, anh Tạo vội nhấc tấm lưới lên khỏi mặt nước. Qua ánh sáng đèn pin trên đầu, những con cá tép dầu đã mắc lưới. Một tay cầm lưới, một tay anh gỡ cá thả vào thùng đá. Cứ như thế, anh cần mẫn làm việc suốt đêm. Sau vài mẻ lưới, trời đã về khuya, ngó chừng cũng được kha khá, anh Tạo tạm nghỉ tay, ngả lưng xuống thuyền.

Lúc này, ánh trắng trên đỉnh đầu soi bóng lung linh dưới mặt nước tạo nên khung cảnh lãng mạn. Anh Tạo rủ rỉ, những người làm nghề chài lưới như anh gần như thức trắng đêm để đánh cá. Chỉ khi nào mệt quá, anh nằm chợp mắt trên thuyền một lúc rồi lại tiếp tục công việc. Quanh năm, anh coi hồ Cầm Sơn là nhà, trăng sao làm bạn, cuộc sống lênh đênh theo con nước. Với những người làm nghề chài lưới lâu năm như anh, chỉ cần nhìn dòng nước là biết chỗ nào nhiều cá ở hồ Cấm Sơn.

Anh Tạo nhẩm tính, vào mùa Đông, trên hồ Cấm Sơn có hơn chục người thường xuyên đánh bắt cá vào ban đêm, vì thời điểm này ít cá. Nhưng đến mùa Xuân, nhất là từ tháng ba âm lịch, lượng người đánh cá tăng lên hàng trăm, có ngày đông như trẩy hội. “Những đêm gặp, tôi đánh bắt được vài chục cân cá, hôm ít thì được hơn chục cân. Tính ra mỗi đêm, tôi thu về vài trăm nghìn đồng. Có người làm nghề chài lưới trên hồ đánh được con cá to hàng chục kg, bán được tiền triệu. Có người từng bắt được con cá chép nặng hơn 60 kg. Cũng từ nghề đánh bắt cá trên hồ Cấm Sơn, những người làm nghề chài lưới như tôi nuôi sống được gia đình”, anh Tạo tâm sự.

Anh Tạo cho biết thêm, nghề đánh cá đêm trên hồ Cấm Sơn cũng không dễ dàng. Chỉ những hôm mặt hồ yên lặng, những người đánh bắt cá đêm mới đi thả lưới. “Tôi coi hồ Cấm Sơn là ngôi nhà thứ 2, bởi vậy dù nghề chài lưới ban đêm có vất vả và nguy hiểm cũng không nghĩ đến chuyện bỏ nghề”, anh Tạo chia sẻ.

Dân chài lưới làm du lịch

Bồng bềnh Cấm Sơn  ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Tạo mưu sinh với nghề đánh bắt cá đêm ở hồ Cấm Sơn

Tôi và anh Tạo chuyện đang mặn, anh Nguyễn Văn Hướng cũng là tay săn bắt cá lão luyện ở hồ Cấm Sơn xuất hiện từ phía xa. Anh Hướng năm nay bước sang tuổi 46. Trước anh từng làm cán bộ UBND xã Cấm Sơn, nhưng sau đó anh quay trở về với nghề chài lưới. Hằng ngày, anh dậy từ 2 giờ đêm để nhấc vó bắt cá cho đến sáng. “Hồ Cấm Sơn không chỉ nhiều tôm cá mà còn là một trong những nơi có phong cảnh đẹp nức tiếng ở Bắc Giang. Nhạc sỹ Phó Đức Phương từng đi thực tế ở hồ này để lấy cảm hứng sáng tác bài hát “Hồ trên núi” nổi tiếng. Bởi vậy, hồ Cấm Sơn còn giàu tiềm năng làm du lịch”, anh Hướng nói.

Theo lãnh đạo xã Cấm Sơn, hồ Cấm Sơn là một trong những công trình thủy nông lớn nhất miền Bắc, rộng khoảng 2.650 ha thuộc tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Tỉnh Bắc Giang có 4 xã vùng cao của huyện Lục Ngạn nằm trong vùng lòng hồ gồm: Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn và Tân Sơn.

Lâu nay, hồ Cấm Sơn vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, giữa lòng hồ có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô, in bóng xanh thẫm xuống mặt nước, tạo nên cảnh tượng đẹp đến siêu thực. Nhiều người ví hồ Cấm Sơn như vịnh Hạ Long thu nhỏ trên núi ở tỉnh Bắc Giang nên du khách kéo về đây tham quan, trải nghiệm ngày càng nhiều. Mấy năm gần đây, anh Hướng là một trong những người tiên phong biết tận dụng vẻ đẹp nên thơ của hồ Cấm Sơn để làm du lịch. Anh đầu tư làm một nhà nổi trên hồ để phục vụ khách có nhu cầu nghỉ lại qua đêm ngắm cảnh mặt hồ. Anh cũng phụ trách luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch, đưa khách đi tham quan hồ bằng thuyền máy.

Bồng bềnh Cấm Sơn  ảnh 2

Những món ăn được người dân địa phương chế biến từ những con cá tươi ngon đánh bắt trong đêm trên hồ Cấm Sơn

Ban ngày, anh Hướng làm dịch vụ du lịch, ban đêm anh vẫn làm nghề kéo vó bắt cá trên hồ Cấm Sơn. Những người đến hồ Cấm Sơn nghỉ qua đêm ở trên nhà nổi của anh không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp lung linh, khi mặt trời ửng hồng lặn vào buổi chiều tà hay mọc lúc sáng sớm với những chiếc thuyền đánh cá độc mộc, thượng khách sành ăn còn thưởng thức những món ăn hấp dẫn, lạ miệng được chế biến từ những con cá tươi được đánh bắt ngay ở lòng hồ. “Khi chưa có dịch, hằng ngày, nhà nổi của tôi đều đón các đoàn khách ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước về đây nghỉ ngơi và vãn cảnh hồ. Ngày cao điểm, tôi thu khoảng 4 - 5 triệu đồng từ dịch vụ du lịch. Tính ra, mỗi tháng tôi cũng bỏ túi vài chục triệu đồng từ các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách tham quan hồ Cấm Sơn”, anh Hướng cho biết.

Bồng bềnh Cấm Sơn  ảnh 3

Hồ Cấm Sơn đẹp thơ mộng

Anh Hướng cho biết thêm, mấy năm gần đây, nhiều gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số sống ven hồ Cấm Sơn cũng đổi mới tư duy khi xây dựng, chỉnh trang lại nhà cửa để phục vụ khách về du lịch tại hồ. Họ không chỉ cung cấp nơi nghỉ ngơi mà còn tạo ra các địa điểm cắm trại qua đêm, phục vụ ăn uống với các món ăn của đồng bào dân tộc để tăng thêm giá trị khi làm du lịch. Điều cư dân và chính quyền quan tâm nhất là khai thác giá trị Cấm Sơn phải đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái.

MỚI - NÓNG
Bất ngờ với bảng giá đất mới của TPHCM
Bất ngờ với bảng giá đất mới của TPHCM
TPO - Dự kiến, bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM sẽ được ban hành vào chiều ngày 16/10. Tuy nhiên, mức giá lại giảm mạnh so với trước kia. Chẳng hạn, đất thương mại dịch vụ tại đường Đồng khởi, quận 1 đang thu theo mức bình quân là 9 triệu đồng/m2/năm nhưng bảng giá đất mới là 5 triệu đồng/m2/năm.
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
TPO - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay có thể đạt mức tăng 7% như mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý một số rủi ro trong quý IV về cơ cấu tăng trưởng, nhu cầu thị trường thấp...