Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết để có được những con số ấn tượng nói trên, TPHCM vượt qua thử thách, hành động và vươn tới.
Thưa ông, TPHCM gặp những thách thức nào và giải quyết ra sao?
Chiến tranh để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Những tháng đầu sau giải phóng, Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định tập trung giải quyết khối công việc bộn bề, phức tạp tại một địa bàn từng là thủ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền cũ và bộ máy chiến tranh xâm lược; tập trung khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước ổn định đời sống quần chúng, cứu tế đồng bào thiếu đói, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn người thất nghiệp...; đồng thời trấn áp bọn phản cách mạng, các đối tượng tệ nạn xã hội như trộm cướp, ma túy, mại dâm, bụi đời…; thiết lập trật tự trị an để người dân yên tâm trở lại làm ăn, sản xuất, sinh hoạt, học tập.
Tôi gửi đến tuổi trẻ Thành phố niềm tin yêu và sự kỳ vọng to lớn. Các bạn hãy tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo, cố gắng rèn luyện, học tập, nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ để góp sức mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của thành phố; xây dựng Thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tương lai của Thành phố, của cả nước là ở các bạn.
Chủ tịch TPHCM Lê Hoàng Quân
Rào cản lớn nhất là phải từng bước tháo gỡ vướng mắc, đấu tranh với những trở lực của cơ chế cũ đang kìm hãm sự phát triển của thành phố. Trước giải phóng, Sài Gòn nổi tiếng với danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông”, nhưng thực chất chỉ tập trung các hoạt động phục vụ bộ máy chiến tranh, phục vụ cho âm mưu chia cắt lâu dài đất nước.
Trong 10 năm đầu (1975 - 1985), Trung ương tuy đã tích cực chi viện nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về nhiều mặt, đặc biệt là mức cung cấp nguyên liệu, phụ tùng, vật tư… liên tục giảm. TPHCM đã nỗ lực vừa làm, vừa học, kiên trì bám sát thực tiễn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bước đầu xây dựng từ một thành phố tiêu thụ chuyển sang một thành phố sản xuất; từ kinh tế phục vụ chiến tranh và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài chuyển sang kinh tế độc lập, phục vụ dân sinh.
Những mô hình nào TPHCM khởi xướng sau đó đã được nhân rộng trên phạm vi cả nước thưa ông?
Đến năm 1986, bước vào thời kỳ đổi mới, những nét cơ bản của đường lối đã được vạch ra nhưng áp dụng vào thực tế không hề đơn giản. Hàng loạt vấn đề phát sinh cần tiếp tục xử lý cả về chủ trương, chính sách và biện pháp thực tế. TPHCM một lần nữa vận dụng sáng tạo đường lối chung vào từng điều kiện cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn với phương châm dựa vào dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết, giải quyết hàng loạt các vấn đề bức xúc trong đời sống của nhân dân từ những việc nhỏ nhất, cấp bách nhất cho đến các vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài.
TPHCM mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống cho nhân dân, đóng góp vào quá trình hình thành, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng. TPHCM khởi xướng nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả và được nhân rộng cả nước như: ban hành các quy định tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý; hình thành nền sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia.
TPHCM đề xuất Trung ương cho phép xây dựng các Khu chế xuất (KCX)- khu công nghiệp tập trung trên địa bàn (KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên tại Việt Nam được thành lập năm 1991); tổ chức, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE là doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993). Gần đây là chương trình bình ổn thị trường, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…
Nhiều phong trào của Thành phố như: xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, phong trào “ba giảm”... có sức lan tỏa, trở thành các phong trào rộng khắp cả nước.
Thưa ông, sau 40 năm, những thành tựu ấn tượng nhất mà TPHCM đạt được là gì?
Cử nhân Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bình Minh
Từ mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 1976 -1985. Bước sang giai đoạn đổi mới, nhiều năm liền GDP của Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10 - 12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước. Đặc biệt giai đoạn 2011 - 2015, tuy bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng GDP của Thành phố ước tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước.
TPHCM đã mạnh dạn đột phá trong kêu gọi đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp, hướng đến mục tiêu xã hội hóa từ giữa những năm 90, thu hút đầu tư cả vốn trong nước và vốn nước ngoài dưới hình thức BT, BOT, BTO, BOO và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Trong giai đoạn 2011 - 2015, TPHCM làm mới trên 330 km đường đô thị, hơn 70 cây cầu, khởi công và hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị như: đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài gòn, đường Phạm Văn Đồng, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; nạo vét luồng Soài Rạp… và hiện đang triển khai xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương.
Thành phố có nhiều nỗ lực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn như: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ; kênh Tân Hóa - Lò Gốm… chỉnh trang mỹ quan đô thị, giải quyết tình trạng ngập úng, cải thiện môi trường và chất lượng sống cho hàng triệu người dân. Đặc biệt, các khu dân cư nghèo, thu nhập thấp.
TPHCM đã tập trung thực hiện 6 chương trình nhánh thuộc chương trình phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm Thành phố dành hơn 27% chi thường xuyên và 20% chi đầu tư xây dựng cơ bản cho ngành giáo dục. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. TPHCM đã đưa vào hoạt động Khu công nghệ cao, Viện khoa học công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học, thực hiện một số chính sách ưu đãi thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Cơ sở vật chất ngành y tế được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đến năm 2014, Thành phố có trên 105 bệnh viện các loại với trên 34.000 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho 29 triệu lượt người, đạt 14,5 bác sĩ và 43 giường/10.000 dân…
Mức sống người dân được cải thiện. Hiện nay, GDP bình quân đầu người TPHCM đạt 5.131 USD/người/năm và ước tính đến cuối năm 2015 đạt 5.538 USD/người/năm, gấp 5 lần năm 2000 và gấp 14 lần năm 1976. TPHCM đã hoàn thành chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2011 - 2015) trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần IX đề ra.
Người dân TPHCM vẫn còn bức xúc về những hạn chế, yếu kém của thành phố. Sắp tới, TPHCM sẽ có những giải pháp “đột phá” gì để giải quyết nhằm giữ vững vai trò đầu tàu và trở thành “điểm đến” hấp dẫn thưa ông?
Công nhân kỹ thuật cao khu công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Hải
Sắp tới, TPHCM sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phát kiến thêm những mô hình hay, có tính chất đột phá mạnh mẽ. Cụ thể: Khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả; phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hoá dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
TPHCM sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chú trọng thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cấp cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, hạn chế tác hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đặc biệt, TPHCM sẽ nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao; thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh để thu hút đầu tư, phát triển du lịch…
Ông có thể cho biết TPHCM có chính sách gì để bồi dưỡng, chăm lo cho đội ngũ cán bộ trẻ, thưa ông?
Những năm qua, bên cạnh tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - xã hội thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ có phẩm chất chính trị, lòng yêu nước, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển TPHCM trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế luôn được lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ tập trung, quan tâm.
Hằng năm Thành phố luôn có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ cho hệ thống chính trị. Cụ thể: Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ sở đào tạo tiến hành đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng lãnh đạo, quản lý… cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó tập trung, ưu tiên cho các cán bộ công chức trẻ. Việc nâng cấp Trường Cán bộ Thành phố thành Học viện Cán bộ Thành phố tạo bước đột phá về cơ chế, tạo thuận lợi cho Thành phố đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt về lý luận chính trị và quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, TPHCM thực hiện chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ với nhiều hình thức đa dạng như đào tạo trong nước, đào tạo trong nước kết hợp nghiên cứu, thực tập nước ngoài, đào tạo hoàn toàn tại nước ngoài trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, vật liệu mới, xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, quản lý dự án, khai thác vận hành hệ thống đường sắt nội đô, hệ thống giao thông công cộng, quản lý hạ tầng đô thị…
TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi gắn với việc luân chuyển về cơ sở để nắm vững thực tiễn và đào tạo toàn diện, đồng thời thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.
Xin cám ơn ông.