Bốn bông hoa tỏa rạng núi rừng

TP - Nguyễn Thị Như Quỳnh, Diệp Như Quỳnh, Đỗ Thị Hạnh, Chu Phương Hồng là những gương mặt học sinh dân tộc thiểu số vượt khó vươn lên trong học tập. Các em đoạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, giành điểm cao trong kỳ thi đại học năm 2014, vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt và biểu dương.

Bốn bông hoa tỏa rạng núi rừng ảnh 1 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với những sinh viên dân tộc thiểu số học giỏi

Vươn lên

Nguyễn Thị Như Quỳnh (SN 1996), người dân tộc Mường ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình. Ấn tượng đầu tiên tôi gặp Quỳnh đôi mắt buồn, thường nhìn xa xăm. Đợt thi vào lớp 10 cũng là lúc bố mẹ Quỳnh hoàn tất thủ tục ly hôn. Đây là cú sốc tinh thần lớn đối với Quỳnh mà đến giờ kể lại nước mắt cô vẫn lưng tròng.

Vào cấp 3, Quỳnh lên thành phố học, phải sống xa nhà. Thương cháu, bà ngoại đã ngoài 70 tuổi lên ở cùng. Không phụ công của bà, mẹ, năm lớp 12 Quỳnh giành giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Văn và thi đậu Đại học Kiểm sát Hà Nội. 

Trong buổi lễ vinh danh học sinh dân tộc thiểu số học giỏi tại Hà Nội, bà Xa Thị Mơ (mẹ Quỳnh) là một trong số ít phụ huynh có mặt chứng kiến giây phút đầy tự hào đó. Bà Mơ cho biết: “Từ nhỏ, Quỳnh là con ngoan, chưa khi nào khiến mẹ phiền lòng”.

Đỗ Thị Hạnh (SN 1996), dân tộc Mường, ở Yên Thủy, Hòa Bình. Từ bé, hằng ngày Hạnh theo bố mẹ lên rừng làm rẫy, tối đến mới có thời gian ngồi vào bàn học. Có hôm đi học, người đói lả. Nhiều bữa chỉ với củ khoai, củ sắn ăn tạm, Hạnh vẫn lội suối, băng rừng tới lớp. 

Khi học THPT, Hạnh giành giải nhì Văn cuộc thi học sinh giỏi các trường Chuyên miền Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ, 2 giải nhì Văn trong 2 lần thi Trại hè Hùng Vương (cuộc thi dành cho các trường Chuyên vùng núi). Lớp 12, Hạnh khẳng định bằng giải nhì tỉnh và giải khuyến khích môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Hiện, Hạnh là học viên Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

Không cam chịu

Diệp Như Quỳnh (SN 1996) dân tộc Sán Dìu, quê ở vùng núi cao huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm làm rẫy, cơm bữa no, bữa đói. Cấp 1, 2, Như Quỳnh luôn là học sinh giỏi của trường. Lên lớp 10, Quỳnh chọn thi vào trường THPT chuyên Thái Nguyên để có điều kiện học tập tốt. Trường cách nhà gần 13 cây số, hằng ngày Quỳnh đều đặn đạp xe từ 2 đến 4 lần tới lớp. Nhiều hôm học cả ngày, nhà ở xa Như Quỳnh ở lại trường, bạn bè rủ đi ăn cơm thì Quỳnh tủi thân khóc thầm, bởi nhà nghèo chỉ xin mẹ 5 đến 10 nghìn đồng thì làm sao đủ để mua nổi suất cơm?

Năm lớp 11, Như Quỳnh được nhà trường chọn đi học bồi dưỡng học sinh giỏi và phải đóng học phí 400 nghìn đồng cho một khóa bồi dưỡng. Khi Như Quỳnh xin mẹ tiền để nộp, mẹ ngập ngừng rồi bảo đợi, mãi cho đến cuối năm học mẹ mới góp đủ tiền nộp cho cô giáo.
“Khi nộp tiền học phí cho cô giáo chủ nhiệm, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô đã gửi lại cho em 100 nghìn đồng để động viên em cố gắng học giỏi. Cầm tiền trên tay, em đã khóc và hứa với lòng mình phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng cô giáo và gia đình”, Như Quỳnh kể lại.

Với sự bền bỉ, cố gắng, năm lớp 12, Như Quỳnh đoạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Hóa. 

Hiện tại, Như Quỳnh đang là sinh viên Đại học Dược Hà Nội.
Cũng là tân sinh viên Đại học Dược Hà Nội, Chu Phương Hồng (SN 1996) người dân tộc Nùng, ở xã Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang. Ở vùng núi cao, để đi học được cấp 2, 3 Hồng phải ở nội trú tại trường. Khi đang học lớp 7, Hồng nhận rõ đồng bào dân tộc mình còn nhiều gia đình khó khăn. Lúc ốm đau bệnh tật thì không có tiền mua thuốc chữa bệnh, Hồng đã đặt mục tiêu cho mình cố gắng học tập giỏi, sau này lớn lên có thể nghiên cứu ra những loại thuốc giá rẻ để chữa bệnh cho những người nghèo. Trong kỳ thi đại học 2014, Hồng nộp hồ sơ thi ĐH Dược Hà Nội và trúng tuyển trường ĐH Dược với 27 điểm. Sự cố gắng của Hồng được đền đáp xứng đáng.

Tại buổi vinh danh học sinh dân tộc thiểu số đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đỗ thủ khoa và đạt điểm cao của các trường đại học, cao đẳng năm 2014, Nguyễn Thị Như Quỳnh, Diệp Như Quỳnh, Đỗ Thị Hạnh, Chu Phương Hồng là những học sinh (trong 78 học sinh) vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt và biểu dương.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.