“Bom nước” trên đầu: Bó tay xử lý!

Các bồn nước la liệt trên nóc chung cư cũ - trở thành nguy cơ “bom nước” trên đầu dân
Các bồn nước la liệt trên nóc chung cư cũ - trở thành nguy cơ “bom nước” trên đầu dân
TP - Hầu hết các cơ quan chức năng đều cho rằng, nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân từ hàng vạn quả “bom nước” là hiện hữu. Tuy nhiên, rất khó để đưa ra giải pháp và càng khó để quy trách nhiệm vì “cha chung không ai khóc”…

Cài “bom nước” vào đâu cũng được

Tìm hiểu về quy trình lắp đặt tại đại lý bồn nước Sơn Hà có địa chỉ tại Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội, đại lý này cho biết: “Ở đây chỉ bán sản phẩm, còn việc lắp đặt khách hàng có thể thuê thợ nước tự lắp hoặc sử dụng thợ của Sơn Hà”. Khi được hỏi về trách nhiệm kỹ thuật của sản phẩm lắp đặt thì đại diện ở đây cho rằng: “Nếu thợ Sơn Hà lắp thì thợ bên đại lý sẽ chịu trách nhiệm, còn khách thuê thợ ngoài thì thợ lắp đó phải chịu trách nhiệm”.

Ông Trương Công Phong - Giám đốc dự án, Công ty Cổ phần Tân Á, cho biết, Công ty có ghi rõ các nội dung chi tiết về tiêu chuẩn lắp đặt, các yêu cầu khi sử dụng sản phẩm đầy đủ lên trên bao bì dán trên sản phẩm và trên phiếu bảo hành. Nhưng khi được hỏi về tiêu chuẩn do đơn vị nào quy định thì ông Phong cũng tỏ ra lúng túng: “Đây là tiêu chuẩn của bồn inox của Tân Á, cũng là tiêu chuẩn chung của hầu hết các bồn nước hiện nay”.

Ông Phong cho rằng việc lắp đặt bồn nước inox khá đơn giản: “Về cơ bản thì việc lắp đặt chỉ cần dựa trên thể tích bồn nước và mặt bằng nơi lắp đặt, mặt bằng đủ tiêu chuẩn cần có khả năng chịu lực gấp đôi thể tích bồn”.

Thực tế tại hầu hết các khu chung cư cũ, người dân khá thoải mái trong việc lắp các bồn nước theo nhu cầu của mình và gần như không có cơ quan nào can thiệp vào việc lắp đặt này.

Ngay cả UBND các phường, tổ dân phố cũng không mấy khi quan tâm đến việc này mặc dù các quả “bom nước” có thể gây nguy hại đến tính mạng nhiều người nếu sự cố long, rơi xảy ra. Về nguyên tắc, nếu được đáp ứng đủ nước thì người dân sẽ dùng nước từ bể chung mà không phải tích trữ nước bằng bể ngầm, bể lộ thiên hay bồn nước inox.

Tuy nhiên, với năng lực cấp nước như hiện nay, chuyện đủ nước mà không cần dự trữ tại nhiều khu chung cư cũ thực sự chỉ có trong mơ.

Chính quyền làm ngơ

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Gia Yên - Chánh thanh tra Bộ Xây dựng nhận định: “Trong kết cấu nhà cần thiết phải tính toán đến vấn đề nước bơm trực tiếp hay lắp bể hoặc bồn trên cao. Một bồn nước thông thường có dung tích 2 m3, tương đương với trọng lượng 2 tấn, cộng với gió và nhiều yếu tố tác động sẽ rất nguy hiểm nếu đặt lên một mái nhà không được thiết kế chịu lực”.

Ông Yên cho rằng, trách nhiệm trước vấn đề này thuộc về các đơn vị cấp nước đô thị, khi một nhà máy nước ra đời nhất thiết phải tính toán kỹ về việc sẽ cấp nước cho khu vực nào, với áp lực nước là bao nhiêu, đẩy cao đến bao nhiêu tầng… từ đó người dân có thể biết thiết kế được nhà có cần hay không bồn nước inox.

“Việc này đã tồn tại từ rất lâu, tưởng là chuyện bình thường nhưng thực tế là vấn đề cực kỳ quan trọng về mỹ quan đô thị và tính mạng người dân khi gặp sự cố” - ông Phạm Gia Yên nói.

Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hàng ngàn bồn nước inox treo lơ lửng hết sức nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, bây giờ cấm người dân đặt bồn nước hoặc phá dỡ đi thì người dân biết lấy nước đâu mà dùng.

Trước đây các khu chung cư cũ có bể nước bơm theo giờ nhưng hệ thống này nhiều năm không được quan tâm, đầu tư nâng cấp nên gần như tê liệt, hỏng hóc khắp nơi không sử dụng được. Trong khi đó nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân ngày càng tăng. Về xử lý người dân đặt thêm két nước rất khó vì đây là nhu cầu chính đáng của họ.

“Chúng tôi kiến nghị việc cải tạo chung cư cũ cần khẩn trương hơn. Với những khu đã xuống cấp nguy hiểm có thể phải cải tạo lại hệ thống bơm nước theo giờ, hạn chế lắp đặt các bồn nước trên tường, trên mái nhà và hướng dẫn người dân cách lắp đặt an toàn”, Thanh tra Sở Xây dựng nói.

Một bồn nước thông thường có dung tích 2 m3, tương đương với trọng lượng 2 tấn, cộng với gió và nhiều yếu tố tác động sẽ rất nguy hiểm nếu đặt lên một mái nhà không được thiết kế chịu lực.

MỚI - NÓNG
Úc vận chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến Hà Nội ngày 11/9. (Ảnh: ĐSQ Úc)
Mỹ, Úc hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam ứng phó sau bão số 3
TPO - Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra. Chính phủ Úc hôm nay công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.