Khiếu kiện nhiều... bị điều tra
Ngày 28/5, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử 17 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình bồi thường đất tại dự án thủy điện Sơn La.
Tại tòa, người giữ quyền công tố nêu căn cứ luận tội và khẳng định, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường về tài sản, di dời theo hình thức “đất đổi đất” cho các hộ dân trong khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Năm 2013, Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến tại khu tái định cư.
Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La ra Công văn 617 chỉ đạo UBND huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của từng hộ và đề xuất phương án bồi thường. Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh đồng thời chỉ định Văn phòng đăng ký đất đai Sơn La và Cty Bảo Bình (ở Hà Nội) đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Cơ quan truy tố cho rằng, kế hoạch 41 nói trên không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La và dẫn tới việc các đơn vị, bị cáo khác thực hiện sai quy định về đo đạc, lập bản đồ rồi bồi thường “thừa” hơn 1,2 tỷ đồng cho bị cáo Đèo Văn Ban.
Vì vậy kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về hình phạt, đại diện VKSND tỉnh Sơn La đề nghị tòa tuyên Trương Tuấn Dũng - nguyên Phó GĐ Sở Tài chính từ 6 - 7 năm tù; Phan Tiến Diện - nguyên Phó GĐ Sở TN&MT từ 6 - 7 năm tù; Phan Đức Chính - nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La từ 6 - 7 năm tù.
Các bị cáo Phan Xuân Khoa, Trần Mạnh Trì - cùng nguyên Phó ban di dân huyện Mường La, Tòng Văn Thành - nguyên bí thư xã Chiềng Hoa (Mường La) đều bị đề nghị nhận từ 5 - 6 năm tù... Các bị cáo khác lĩnh mức án tương ứng. Thường dân duy nhất trong vụ án là Đèo Văn Ban bị đề nghị tuyên từ 4 - 5 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi bồi thường đất đai, tại Mường La xuất hiện nhiều đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây mất an ninh trật tự đặc biệt là đơn của bị cáo Ban. Vì vậy, công an đã vào cuộc điều tra, kết quả Đèo Văn Ban bị khởi tố, bắt giam do có vi phạm.
Luật sư Hoàng Tùng nêu nghi vấn có sai phạm với 600 hộ dân.
Sai phạm với 600 hộ dân?
Được tự bào chữa, bị cáo Ban khẳng định: “Vụ án này là vu khống tôi khai khống đất để nhận bồi thường, làm trái quy định Nhà nước... Tôi có đất, tôi phải được bồi thường. Đề nghị VKSND nói tôi khai khống đất ở đâu? Không chứng minh được phải thả tôi ra ngay”.
Bị cáo này cũng cho rằng, kế hoạch 41 do Trương Tuấn Dũng ký áp dụng giống nhau với hằng trăm hộ dân; cáo trạng cũng nói kế hoạch 41 gây ra sai phạm với nhiều hộ nhưng tại sao cơ quan điều tra, tuy tố chỉ bắt mình ông? Ngoài ra, Đèo Văn Ban cho rằng nếu kế hoạch 41 sai, phải tìm phương pháp khác để bồi thường vì bản thân ông có đất thật.
Đáng chú ý, Đèo Văn Ban tố cáo kiểm sát viên Lê Thị Thu Hà khi giao cáo trạng cho mình đã quát tháo, dọa: “Trường hợp của ông, các cơ quan đã xem xét thống nhất hết rồi...”.
Liên quan đất đai của Đèo Văn Ban, một số bị cáo khác là người trực tiếp đo đạc đất đai trong vụ án đã dẫn các tài liệu thể hiện người này có đất thật; đề nghị kiểm sát viên nêu căn cứ khẳng định ông Ban khai khống đất.
Bảo vệ cho bị cáo Ban, luật sư Hoàng Tùng tái khẳng định thân chủ của mình chỉ là nông dân, không phạm tội “Cố ý làm trái các quy định....”. Ngoài ra, Đèo Văn Ban sinh sống ở Mường La từ lâu; rất nhiều người và chính quyền xã thời trước đã xác nhận ông có đất. Tuy nhiên, những người này không được triệu tập tới tòa làm nhân chứng.
Luật sư Tùng dẫn các văn bản thể hiện bồi thường đất đai tại dự án thủy điện Sơn La có tính chất đặc thù. “Thủ tướng có văn bản nói rõ đây phải là đặc thù nhưng VKSND cho rằng nó không đặc thù. Vậy kiểm sát viên sai hay Thủ tướng sai?” - ông Tùng nêu quan điểm.
Ông Tùng phân tích, Văn phòng Chính phủ có văn bản 2602 ngày 21/3/2017 giao các Bộ TN&MT, Công thương, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và UBND tỉnh Sơn La giải quyết theo quy định, làm rõ khiếu nại của công dân, có phương án giải quyết đúng rồi báo cáo kết quả tới Thủ tướng.
Tuy nhiên, ngày 11/7/2017, UBND tỉnh Sơn La dùng báo cáo 03 của Ban quản lý dự án di dân thủy điện Sơn La làm căn cứ giải quyết trước khi có họp đối thoại nên UBND tỉnh đã sai. Tiếp đến, VKSND tỉnh Sơn La lại dùng chính báo cáo 03 này làm căn cứ khởi tố vụ án, bắt giam các bị cáo. Luật sư Tùng nêu quan điểm trong vụ án, VKSND Sơn La đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội và Bộ luật TTHS.
Vị luật sư cũng phân tích kế hoạch 41 và khẳng định đây không phải văn bản quy phạm pháp luật, không sai so với các quy định khác. Bên cạnh đó, kế hoạch 41 áp dụng với hàng trăm hộ dân nên nếu sai, cần điều tra tất cả.
Luật sư Tùng phát biểu: “Nếu cần truy tố, phải truy tố 600 người vì UBND huyện Mường La không thực hiện riêng cho hộ Đèo Văn Ban. Chúng ta không thể lấy 1 hồ sơ của Ban ra truy tố. Nếu trả tiền bồi thường cho Ban sai, 600 hộ khác với tiền bồi thường hàng trăm thậm chí nghìn tỷ cũng sai... Không thể dùng báo cáo 03 do ông Cầm Chính Nghĩa (nguyên Phó Ban di dân tái định cư tỉnh Sơn La) ký để truy tố Ban và 16 bị cáo còn lại”.
Từ các phân tích trên, luật sư Hoàng Tùng đề nghị HĐXX tuyên tất cả bị cáo vô vội. “Ban lại càng vô tội. Ban đang đi kiện, thực hiện quyền khiếu nại, khiếu khiện của mình. Văn phòng Chính phủ đã giao các bộ ngành xử lý nhưng chưa xử lý, tỉnh Sơn La đã ra văn bản 03 thể hiện ông Ban sai. Vậy trung ương sai hay tỉnh sai?” - luật sư Hoàng Tùng nói.