Khó đủ đường
Báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán của Công ty CP Thép Vicasa - Vnsteel (mã chứng khoán: VCA) ghi nhận doanh thu đạt 1.725 tỷ đồng, giảm 26% so với năm trước. Sau khi trừ chi phí, Thép Vicasa lãi hơn 7 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 50% kế hoạch đề ra.
Ngoài kết quả kinh doanh, một khó khăn khác mà Thép Vicasa phải đối mặt trong thời gian tới là phải di dời nhà máy ra khỏi KCN Biên Hòa 1 ở Ðồng Nai. Khu công nghiệp này đã có chủ trương di dời và chuyển đổi thành khu đô thị, thương mại dịch vụ.
Một góc KCN Biên Hòa 1 ở Ðồng Nai. |
Thép Vicasa sẽ di dời nhà máy đến KCN Nhơn Trạch 2, cũng thuộc tỉnh Đồng Nai và đã được Tổng Công ty Thép Việt Nam chấp nhận. Theo kế hoạch, Thép Vicasa sẽ di dời vào giai đoạn 3, từ năm 2022 - 2025. Vào cuối 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp này phải hoàn thành di dời trước tháng 12 năm sau.
Tương tự, Xí nghiệp Cao su Đồng Nai thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) hình thành ở KCN Biên Hòa 1 hơn 20 năm. Xí nghiệp có 2 xưởng chuyên sản xuất lốp xe tải nhẹ và phải di dời vào cuối năm sau. Lãnh đạo Casumina cho biết đang khá bối rối vì đề án đưa ra hạn cuối di dời nhưng chưa ai nhắc đến có phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Để di dời, Xí nghiệp Cao su Đồng Nai đối diện với nhiều khó khăn, như hơn 200 lao động đang làm việc, hầu hết đã lớn tuổi, có cuộc sống an cư ở Biên Hòa nên khó đi theo xí nghiệp đến nơi mới. Tuy nhiên, nếu ở lại họ khó tìm được việc làm mới bởi tuổi tác và đặc thù ngành nghề. Không mang được lao động theo, xí nghiệp phải xây dựng bộ máy quản lý mới, tuyển và đào tạo lại nhân lực mất nhiều thời gian.
Một khó khăn khác mà xí nghiệp phải đối mặt là chuẩn bị cả ngàn tỷ đồng để xây dựng một xưởng ở nơi mới. Hiện tại, đơn giá thuê đất trong 50 năm ở các khu công nghiệp lân cận là 190 USD/m2, chưa kể phí quản lý. Muốn đầu tư một xưởng mới phải cần 10 ha và riêng tiền thuê đất tốn khoảng 400 tỷ đồng và thêm khoảng 600 tỷ đồng cho chi phí lắp đặt máy móc, thiết bị, phòng cháy chữa cháy...
Còn nhà máy của Công ty CP may Đồng Nai (Donagamex) đã đặt tại KCN Biên Hòa 1 cách đây đã 50 năm. Nhà xưởng rộng 32.000 m2, hiện có hơn 200 lao động. Khi di dời người lao động phải di chuyển xa khó khăn hơn, nhà máy có những xưởng vải dệt, máy móc lớn, di chuyển không hề đơn giản.
Chủ một doanh nghiệp ở KCN Biên Hoà cho biết: “Chúng tôi chấp hành chủ trương nhưng mong chính quyền tạo điều kiện để doanh nghiệp di dời công ty, nhà xưởng nhưng vẫn giữ được tình hình ổn định sản xuất. Cần hỗ trợ để doanh nghiệp có sự phối hợp với hệ thống ngân hàng, hợp thức hóa thủ tục pháp lý, thuế…”.
Trông chờ được hỗ trợ
Trong quyết định phê duyệt đề án di dời KCN Biên Hoà 1 của UBND tỉnh Đồng Nai xác định, khu công nghiệp này đang có 76 doanh nghiệp, với tổng số lao động đang làm việc hơn 21.000 người.
Khi doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới, người lao động không thể đi theo vì khó khăn trong việc đi lại, nơi ở... |
Độ tuổi của người lao động chủ yếu từ 30 trở lên do KCN Biên Hòa 1 có nhiều công ty đã hoạt động từ lâu, người lao động đã có nhiều năm làm việc, đang có cuộc sống ổn định tại Biên Hòa. Do đó, khi doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới, người lao động không thể đi theo vì khó khăn trong việc đi lại, nơi ở...
Ngoài khó khăn của người lao động, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về chi phí tuyển dụng, đào tạo người lao động mới trong trường hợp công nhân cũ nghỉ việc. Doanh nghiệp phải chi một khoản tiền để trả trợ cấp thôi việc cho công nhân không tiếp tục làm việc với doanh nghiệp tại địa điểm mới, đa số người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đều là những người làm việc lâu năm nên chi phí này rất cao.
Đối với người lao động tiếp tục làm việc, doanh nghiệp phải chi trả tiền lương ngừng việc trong thời gian di dời nhà máy. Khi đi vào hoạt động, để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp phải có thêm các khoản hỗ trợ nhà ở, đi lại mới có thể thu hút người lao động tiếp tục làm việc.
Theo đề án được tỉnh Đồng Nai giao thực hiện kế hoạch di dời KCN Biên Hoà 1, các chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực là khoảng trên 1.270 tỷ đồng.
Được thành lập năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa, sau năm 1975 đổi tên thành KCN Biên Hòa 1 và được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam với diện tích 324 ha ở phường An Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 có kinh phí khoảng 7.500 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng.