Bốc thuốc cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với nghề y, việc chẩn bệnh là việc không quá khó khi những triệu chứng của bệnh được thể hiện gần như tức thời. Nhưng với một nền kinh tế chưa thực sự mạnh, đặc biệt dựa vào xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI để tăng trưởng trong những năm gần đây, việc kê đơn, bốc thuốc sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư chỉ trong vài tháng giãn cách xã hội đã làm ‘bốc hơi’ thành quả tích lũy nhiều năm của hầu hết các doanh nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và nhiều khu vực phía Nam khác. Sự kiệt quệ về tài chính của doanh nghiệp thể hiện thông qua số lượng người thất nghiệp gia tăng nhanh chóng.

Ở góc nhìn khác, mất việc tạm thời, đến lúc này, cũng đang là gánh nặng rất lớn với hàng triệu gia đình ở TPHCM và các tỉnh phía Nam khi đồng lương người lao động không đủ để giúp họ trụ vững trong thời gian dài quá 6 tháng nghỉ việc không lương, thưởng. Những dòng người đổ xô về quê để tránh dịch khi không thể cầm cự qua ngày bởi các nhà máy, công trường đóng cửa để lại những hệ lụy lâu dài về mặt nhân lực. Thiếu nhân lực, các nhà máy, công xưởng, công trường có mở lại cũng không có đà để tăng tốc. Vì vậy, các giải pháp đưa ra lúc này không hề đơn giản chỉ là kích cầu sản xuất thông thường. Vòng xoáy: Việc làm – thu nhập – sản xuất – hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ đòi hỏi việc bốc thuốc chuẩn với cách làm đột phá là ưu tiên nhất lúc này.

Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hé lộ 8 nhóm nhiệm vụ chính để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế được các doanh nghiệp đặt khá nhiều kỳ vọng. Nhìn tổng thể các giải pháp cần cơ bản cho việc phục hồi đều có mặt trong chương trình được đưa ra. Tuy nhiên, giải pháp đột phá thật sự, sát sườn với từng lĩnh vực ngành nghề và từng nhóm doanh nghiệp chưa được mô tả chi tiết. Những thông tin mới chỉ dừng lại ở mức miêu tả hình thức hỗ trợ khá chung chung.

Không ít chủ doanh nghiệp từng thẳng thắn: Chỉ chừng nào những nhà hoạch định chính sách, thực sự thấu hiểu mô hình hoạt động của các doanh nghiệp, cảm thông những dâu bể thăng trầm của doanh nhân trong những ngày sóng gió vì dịch COVID-19 vừa qua, thì khi đó việc tạo cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp mới sát sườn được. Còn nếu vẫn tư duy quản lý, xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách giải cứu doanh nghiệp trong môi trường điều hòa máy lạnh, ngày làm đủ 8 tiếng, lương cuối tháng nhận không thiếu một đồng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì khi vẽ phương án hỗ trợ nền kinh tế, thông qua các kiến nghị văn bản, sẽ cho kết quả không như kỳ vọng.

Việc nắm được nhịp hô hấp của nền kinh tế, tiếng thở của doanh nghiệp khỏe hay yếu, kêu thật hay kêu vống lên, đòi hỏi các bộ ngành phải thực sự "3 cùng" với doanh nghiệp. Chỉ khi đó, những tư tưởng ban-cho thông qua các chính sách mới đi vào cuộc sống. Còn nếu không mọi việc sẽ mãi lừng khừng như tình trạng lúc cần kíp thì không thấy ai cứu hoặc chỉ được giải cứu qua những bản tin trên tivi. Doanh nghiệp không có nguồn thu, lao động không việc làm đồng nghĩa thu ngân sách sẽ thiếu trước, hụt sau kéo dài.

Việc chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, đưa ra những gói hỗ trợ không rào cản, trực tiếp gỡ từng nút thắt khó khăn cho doanh nghiệp và xóa tình trạng "trên bảo dưới không nghe" ở các địa phương như hiện nay sẽ là đòn bẩy trước mắt tốt nhất để cả nền kinh tế đi lên. Còn nếu không, tương lai u ám với những chỉ tiêu tăng trưởng đè nặng sẽ là thách thức rất lớn ở phía trước.

MỚI - NÓNG