NamABank hiện là nhà băng có lãi suất huy động cao nhất hiện nay, theo công bố lên tới 11%/ năm. Một số nhà băng khác cũng trả lãi trên 10%, có thể kể đến như NCB, VPBank... Tuy vậy, mức lãi này chỉ được áp dụng cho một số sản phẩm tiền gửi riêng biệt.
Với NamABank, thực chất, lãi suất 11% như công bố chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu của kỳ hạn 9 tháng. Sáu tháng tiếp theo, lãi suất sẽ được điều chỉnh về mức 5,95%/năm.
Như vậy, bình quân, lãi suất huy động 9 tháng chỉ ở mức 7,63%/năm, còn thấp hơn so với một số ngân hàng khác ở cùng kỳ hạn. Đồng thời, khách hàng cũng không được rút trước hạn. Đây thực ra chỉ là "chiêu" truyền thông, khách hàng cần lưu ý các điều kiện.
Mức lãi tiết kiệm trên 10%/ năm có nhiều điều kiện đặc biệt đi kèm (ảnh: Như Ý) |
Tại NCB, lãi suất huy động theo công bố là 10,5%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cá nhân phải gửi tối thiểu 500 tỷ đồng vào nhà băng. Ngoài ra, trước khi gửi tiền, khách hàng cần liên hệ với ngân hàng và được NCB đồng ý.
Tại VPBank, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings kỳ hạn 36 tháng cũng vừa được điều chỉnh lên mức cao nhất tới 10,02%/năm. Tuy nhiên, cũng như NamABank, mức lãi suất này chỉ được áp dụng trong tháng đầu tiên, các tháng sau chỉ còn 8,35%/năm.
Áp sát các nhà băng trên, mức lãi của nhiều ngân hàng khác cũng ở mức 8-9%/ năm cho kỳ hạn từ 12 tháng, như SCB, Viet Capital Bank, BacABank, PVCombank, CakebyVPBank.
Ưu đãi lãi suất tiền gửi còn được các ngân hàng áp dụng với điều kiện khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ. Như tại VietABank, khách hàng đồng thời giao dịch mở mới sổ tiết kiệm và tham gia mới bảo hiểm nhân thọ (tối thiểu từ 8 triệu đồng) sẽ được áp dụng lãi suất tới 8%/năm.
Viet Capital Bank triển khai chương trình dành cho khách hàng vừa gửi tiết kiệm vừa tham gia bảo hiểm được tặng lãi suất đến 1%/năm.
Không chỉ tặng lãi suất, các ngân hàng còn có nhiều chương trình khuyến mại, quà tặng, quay số trúng thưởng để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Trong khi các nhà băng tư nhân đua lãi suất, thì lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay thuộc về nhóm có vốn nhà nước (Big4). Với kỳ hạn 1-2 tháng, 4 ngân hàng Big4 áp dụng lãi khoảng 4,9%/ năm. Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tăng thêm 1% lên 5,4%; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng điều chỉnh tăng cao nhất so với các kỳ hạn khác, thêm 1,3% lên mức 6%.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 20/10 và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 11,38%, cung tiền M2 tăng 3,09% và huy động vốn tăng 4,8%.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức cao đối với hệ số sử dụng vốn của ngân hàng, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống.
Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9, tháng 10 là phù hợp, nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm vốn để đảm bảo an toàn thanh khoản, và có điều kiện cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.