Bộ Y tế kết luận vụ bé gái 4,5 tháng tuổi tử vong ở Hải Dương

Bộ Y tế kết luận vụ bé gái 4,5 tháng tuổi tử vong ở Hải Dương
TP - Ngày 1/11, Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm các thành viên là chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư đã đánh giá lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, nguyên nhân bé gái 4,5 tháng tuổi ở Hải Dương tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem.

Bộ Y tế kết luận nguyên nhân tử vong là do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không có bằng chứng liên quan đến vắc-xin và quy trình tiêm chủng. Bộ Y tế cũng khẳng định vẫn tiêp tục sử dụng vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Được biết, sáng 25/10 bé Nguyễn Ngọc Tường Vi (4,5 tháng tuổi, ở Ngọc Lý, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ) được tiêm vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem tại Trạm Y tế xã.

Chiều cùng ngày bé có biểu hiện sốt, nôn. Tới chiều 26/10, từ mông xuống chân có biểu hiện tím tái nên gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Hải Dương cấp cứu nhưng cháu không qua khỏi. Bệnh viện Nhi Hải Dương xác nhận cháu Vi tử vong do sốc nhiễm khuẩn nặng.

Trong vòng 7 ngày từ 20 đến 26/10 đã có 2 trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem. Trước đó, ngày 20/10 sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem được khoảng vài phút, cháu Lô Tuấn Trường (sinh ngày 4/7/2015, trú tại bản Có Hướng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong) bất ngờ tím tái và tử vong ngay sau đó dù được cấp cứu. Hội đồng khoa học Sở Y tế Nghệ An đã họp tìm nguyên nhân xác định cháu tử vong vì sốc phản vệ, không liên quan chất lượng vắc-xin.

Trước việc liên tiếp có 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, nhiều người dân lo ngại về độ an toàn của vắc-xin này. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các trường hợp tử vong sau tiêm chủng ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là tử vong do trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ, không liên quan đến tiêm vắc-xin. 

Hiện mỗi ngày tại Việt Nam có 70 trẻ dưới một tuổi tử vong không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem ở Việt Nam là 4,5 ca trong một triệu liều sử dụng, trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 20 ca phản ứng trong một triệu liều sử dụng. Nguyên nhân thứ hai gây tai biến có thể do vắc-xin. 

Nguyên nhân thứ ba vì thực hành tiêm chủng và cuối cùng bởi chính cơ địa của trẻ. Ông Phu cho biết thêm, có thể xảy ra trường hợp, cùng lô vắc-xin, cùng loại vắc-xin, tiêm cho 10 cháu không gặp vấn đề nào, chỉ một cháu có tai biến.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, không thể cứ có tai biến nặng là thay vắc-xin vì loại vắc-xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định và không ai dám khẳng định là thay vắc-xin thì sẽ không có tử vong. 

Các chuyên gia y tế cho biết, vắc-xin Quinvaxem với thành phần toàn tế bào nên các phản ứng như sốt, sưng, đau, thậm chí tím tái nhiều hơn vắc-xin vô bào. 

Tuy nhiên WHO khẳng định tỷ lệ phản ứng nặng và gây tử vong của 2 loại vắc-xin này là tương đương. Cơ quan này cũng đánh giá vắc-xin toàn tế bào đáp ứng miễn dịch tốt hơn loại vô bào.         

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, không thể cứ có tai biến nặng là thay vắc-xin vì loại vắc-xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định và không ai dám khẳng định là thay vắc-xin thì sẽ không có tử vong. 

MỚI - NÓNG