Bộ Y tế góp ý siết mở cửa du lịch: Hà cớ gì bắt khách Tây cách ly?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cận kề mốc mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3, nhưng lãnh đạo Bộ Y tế có công văn góp ý về kế hoạch mở cửa du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Bộ Y tế bất ngờ nêu quy định về cách ly khách quốc tế. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) trao đổi với Tiền Phong quanh góp ý gây khó cho ngành du lịch.

Bộ Y tế mới đây có văn bản góp ý về kế hoạch mở cửa du lịch, trong đó có nêu điều kiện về cách ly khách quốc tế. Ông thấy ý kiến này như thế nào?

Tại cuộc họp ngày 15/2 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Chính phủ đã đồng ý đề xuất mở cửa du lịch từ 15/3 của Bộ VHTTDL. Theo đó, khách chỉ cần xét nghiệm 1 lần, chờ cách ly 1 ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh chứ không chờ lâu hơn. Những người làm du lịch nghe thông tin Chính phủ đồng ý với Bộ VHTTDL đã rất vui mừng, hy vọng từ 15/3 việc mở cửa đúng theo tinh thần thích ứng an toàn, mở cửa hoàn toàn như trước COVID-19.

Tuy nhiên trong văn bản nêu ý kiến trả lời của Bộ Y tế góp ý cho đề án của Bộ VHTTDL, Bộ Y tế lại có ý kiến yêu cầu khách quốc tế hoặc cách ly 3 ngày, nếu không cách ly 1 ngày và phải xét nghiệm liên tục trong 3 ngày. Đây là điều kiện ngặt nghèo, là rào cản kỹ thuật đối với khách du lịch đến Việt Nam.

Quan điểm của TAB từ trước đến giờ đều mong khách du lịch nội địa, khách quốc tế cần phải được bình đẳng. Không thể cùng là du khách, điều kiện tiêm chủng như nhau, cùng đến du lịch ở vùng xanh, vàng như nhau nhưng khách quốc tế bị phân biệt đối xử! Như thế làm sao thu hút trở lại khách quốc tế đến Việt Nam?!

Kể cả trong điều kiện tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế tương tự khách nội địa, chúng ta không thể quên rằng còn nhiều khó khăn khác đang làm gián tiếp cho ngành du lịch khó thu hút khách quay trở lại. Đó là xung đột vũ trang trên thế giới, Việt Nam vẫn đang có dịch. Nghĩa là bản thân khách có thể còn lo ngại liệu họ có bị nhiễm khi du lịch Việt Nam hay không, thế mà chúng ta lại đặt rào cản. Với suy nghĩ đó thì chắc chắn chưa đúng với tinh thần thích ứng an toàn mà Thủ tướng đã đề ra.

Những người làm du lịch đều mong muốn Bộ Y tế cần xem xét, đưa ra quy định vừa đảm bảo để khống chế việc lây nhiễm đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phục hồi, việc đi lại thông thoáng. Trong khảo sát gần đây của TAB, 90% số khách trả lời nếu bị cách ly họ không đi du lịch. Người Việt cũng trả lời như thế, chúng ta đưa ra điều kiện này, đồng nghĩa với chúng ta không có khách du lịch quốc tế đến Việt nam, hoặc có thì rất ít.

Có một tư duy khá buồn cười của một số lãnh đạo bộ, ngành ở chỗ, họ nghĩ cứ mở cửa hôm nay thì ngày mai đã quá tải đến nơi?

Thực tế với điều kiện thuận lợi hơn, ngành du lịch còn nhìn thấy rất nhiều việc đang cản trở khách, chưa thuận lợi để thu hút khách trở lại, trong đó có chính sách miễn thị thực.

Thái Lan miễn thị thực 64 nước và vùng lãnh thổ, nhiều quốc gia khác đang miễn thị thực cho hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chúng ta vẫn giữ mức chính sách miễn thị thực khiêm tốn (trước khi dịch COVID-19 ập đến mới dừng lại ở con số 24). Cho nên nếu quy định cách ly khách quốc tế 3 ngày, xét nghiệm liên tục có lẽ gần như khách du lịch không còn mong muốn để du lịch Việt Nam nữa.

Bộ Y tế góp ý siết mở cửa du lịch: Hà cớ gì bắt khách Tây cách ly? ảnh 1

Khách quốc tế đến Việt Nam không nên bị phân biệt đối xử.

Việt Nam đã thí điểm đón khách quốc tế, tuy nhiên con số còn khiêm tốn. Nếu nhìn sang Thái Lan, du lịch Việt Nam có thể rút ra những bài học gì thưa ông?

Việc lựa chọn thời điểm mở cửa sớm hay không giúp khả năng cạnh tranh của du lịch tăng lên hoặc sụt giảm. Thái Lan đưa ra kế hoạch mở cửa từ rất sớm để tất cả các nước, khách du lịch, hãng du lịch, hãng hàng không lên kế hoạch sớm. Chúng ta công bố khá muộn, đến giờ vẫn chưa có công bố một cách chính thức, như thế đã thiệt thòi rồi.

Thái Lan sau chiến dịch Phuket Sandbox, và một số điểm khác, hiện nay họ sử dụng chiến dịch Test and Go-chỉ cần cách ly 1 ngày sau đó khách được thoải mái du lịch bình thường như khách nội địa Thái. Thái Lan đã đi trước khá xa, bài bản và rất thuận lợi mà thực sự khách đến Thái chưa được như mong muốn của họ. Điều đó cho thấy mở cửa đón khách, thu hút khách còn chưa ăn thua nữa là đặt thêm các rào cản kỹ thuật với du khách quốc tế.

Cảm ơn ông!

Trong công văn số 920 ngày 26/2/2022 nêu ý kiến về dự thảo Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra quan điểm:

Trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), hành khách ở lại nơi lưu trú (không rời khỏi nơi lưu trú), thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, nếu âm tính thì tự theo dõi sức khỏe, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định. Trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú.

Trường hợp sau 24 giờ (kể từ khi nhập cảnh) cần rời khỏi nơi lưu trú, hành khách cần phải làm xét nghiệm SAR-CoV-2 hàng ngày (xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR) âm tính (trước khi rời nơi lưu trú) cho đến khi kết thúc 72 giờ, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe cho đến khi đủ 10 ngày và thường xuyên thực hiện khuyến cáo 5K.

Trường hợp hành khách không rời nơi lưu trú trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhập cảnh): chỉ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 02 lần (lần 01 trong ngày đầu nhập cảnh, lần 2: lấy mẫu trong ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh), nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, hành khách có thể rời nơi lưu trú sau 72 giờ kể từ khi nhập cảnh, nhưng cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe cho đến đủ 10 ngày và thường xuyên thực hiện khuyến cáo 5K.

MỚI - NÓNG