Mở cửa du lịch: Không còn “bật-tắt”

0:00 / 0:00
0:00
TP - Du lịch thực sự trở lại đường đua với kế hoạch mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3 cho cả quốc tế lẫn nội địa. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch công bố kịch bản đón khách thông suốt, không còn chuyện bật-tắt khiến người làm du lịch hoang mang.

Kịch bản đón khách

Việt Nam tiếp tục thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2 cho tới hết 14/3, vẫn dành cho khách đến bằng đường hàng không. Từ 15/3, du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế, đưa khách nội ra nước ngoài và mở cửa toàn bộ du lịch nội địa. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nêu, từ 15/3 Việt Nam mở cửa cho tất cả du khách qua đường hàng không, đường bộ, đường biển.

Mở cửa du lịch: Không còn “bật-tắt” ảnh 1

Mở cửa hoàn toàn đón khách từ 15/3. Ảnh: NHƯ Ý

Một số yêu cầu đối với khách quốc tế: Khách từ 12 tuổi trở lên phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh; hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp trong thời gian không quá 6 tháng. Có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ, hoặc kết quả test nhanh trong vòng 24h trước khi lên máy bay. Đối với khách nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển cần kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.

So với giai đoạn thí điểm quốc tế, khách đến Việt Nam từ 15/3 chỉ cần có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10 nghìn USD thay vì 20 nghìn USD như trước; cài đặt ít nhất một ứng dụng quản lý an toàn phòng chống dịch bệnh.

Quy trình an toàn đón khách cũng được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Cụ thể, nếu khách có triệu chứng hoặc nghi ngờ sẽ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu quốc tế. Khách sẽ đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và không được tiếp xúc với cộng đồng trong vòng 24 giờ. Đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không, phải xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú, trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh. Trường hợp có kết quả âm tính, khách được tiếp tục tham gia các chương trình du lịch. Trường hợp có kết quả dương tính, khách được cách ly y tế tại nơi lưu trú hoặc điều trị bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Khách du lịch tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh, đảm bảo tuân thủ “Thông điệp 5K” và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và tuân thủ các quy định, hướng dẫn của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Như vậy không còn rào cản bắt buộc khách tham gia các chương trình của doanh nghiệp lữ hành như giai đoạn thí điểm nữa. Du khách được tự do du lịch, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như quy định phòng, chống dịch của cơ quan Y tế.

Mở cửa du lịch: Không còn “bật-tắt” ảnh 2

Cần thu hút người lao động trong lĩnh vực du lịch trở lại. Ảnh: KỲ SƠN

Trở lại đường đua

Sau hai năm đóng băng, đây là thời điểm để các thị trường du lịch trở lại đường đua. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, nếu Việt Nam thực hiện tốt kịch bản đón khách, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách chính là điểm nhấn để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến. Từ tháng 11/2021 đến nay mới hơn 9 nghìn khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng Thái Lan chỉ cần ít ngày đã đạt được con số này. Các quốc gia trở về vạch xuất phát sau đại dịch, cho nên đây là thời điểm mấu chốt để xây dựng kế hoạch mở cửa du lịch an toàn và hiệu quả. “Cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt” ông Khánh dự báo.

Việt Nam đã công nhận 79 giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng mới có 14 quốc gia công nhận giấy tiêm chủng vắc xin của Việt Nam. “Việc đưa người Việt ra nước ngoài du lịch bị hạn chế gây mất cân bằng giữa khách quốc tế đến và đưa khách ra nước ngoài. Chỉ có tạo được cân bằng mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá thành”, ông Khánh nêu bất cập.

Câu chuyện cơ sở vật chất xuống cấp, “chảy máu” nguồn nhân lực lao động du lịch cũng không thể xem nhẹ. Tính tới năm 2019, Việt Nam có 2,5 triệu lao động du lịch trong đó có gần 1 triệu lao động trực tiếp nhưng bị tổn thất nặng nề do hàng loạt cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp ngừng hoạt động trong đại dịch. Tổng cục trưởng Du lịch phân tích, lực lượng lao động du lịch được đào tạo bài bản về kỹ năng chuyên môn, thái độ nghề nghiệp nhưng hai năm qua bị phân tán, chuyển nghề. “Nếu du lịch tạo ra công ăn việc làm sẽ tạo ra đòn bẩy thu hút trở lại lao động ngành du lịch. Chỉ có khôi phục lại hoạt động du lịch hoàn toàn mới thu hút được lao động. Lao động du lịch được đào tạo lâu dài, bài bản, họ chỉ trở lại khi du lịch mở cửa hoàn toàn chứ không phải bật-tắt”, ông Khánh phân tích.

Ngay từ bây giờ ngành du lịch, địa phương và doanh nghiệp phải gấp rút tập hợp lực lượng, hoàn thiện duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, Tổng cục tiếp tục tham mưu Bộ VHTTDL đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tới hết 2023-thời điểm có thể phục hồi du lịch- nhằm tập trung xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, có chính sách thu hút lao động quay trở lại. “Chúng tôi có kế hoạch phối hợp các địa phương khảo sát cơ sở vật chất, đề xuất chương trình đào tạo, đào tạo lại”, ông Khánh nói. Địa phương cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp, lao động du lịch trên địa bàn để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch.

Truyền thông ở tầm quốc tế

Tổng cục Du lịch chuẩn bị một số kế hoạch truyền thông quảng bá xúc tiến điểm đến: triển khai trở lại chương trình quảng bá Live fully in Vietnam (Sống trọn vẹn ở Việt Nam), ứng dụng E-marketting, tham gia loạt hội chợ du lịch lớn ở Đông Bắc Á, Tây Âu và đặc biệt là ở Nga. “Chúng tôi đã làm việc với một số tập đoàn truyền thông lớn để tập trung thông tin quảng bá về du lịch Việt Nam, có thể kể tới CNN, CNBC”, ông Khánh cho biết. Tổng cục phối hợp với trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để lan tỏa thông tin mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.