Ông Yên cho biết: việc chậm thu hồi nhà 35 Điện Biên Phủ không phải do công văn của Bộ Xây dựng mà việc giải quyết nhùng nhằng đã kéo dài gần hai chục năm qua và thuộc trách nhiệm của thành phố Hà Nội. Thành phố Hà Nội và các ngành chức năng đã có văn bản thu hồi nhưng không được. Văn bản của Bộ Xây dựng không phải là “văn bản lạ” mà là văn bản của cơ quan có trách nhiệm nêu ra quan điểm. Về quan điểm thì có thể đúng với người này và không đúng với người kia, vì có những việc pháp luật quy định chưa rõ.
Tôi có biết việc này. Tôi cho rằng, thỏa thuận này cần xem lại về pháp luật. Anh bỏ tiền túi ra để xây dựng mà sau đó lại thuộc nhà nước à? Tôi thử hỏi anh nếu cá nhân anh bỏ tiền túi ra xây dựng thì căn nhà đó có phải là thuộc nhà nước không? Tôi cần nói thêm là trước khi có Luật Đất đai thì nhiều quy định rất khác hiện nay. Vấn đề hiện nay là thành phố Hà Nội cần phải làm rõ vì sao trong suốt gần 20 năm qua vẫn chưa thể xử lý xong vụ việc và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?
Về việc Viện Sena cho thuê lại nhà, tại sao lúc ấy cơ quan chức năng của thành phố không vào lập biên bản xử lý, thu lại diện tích cho thuê trái phép? Đó là việc cơ quan của thành phố đã buông lỏng quản lý. Văn bản kiểm tra của các ngành thuộc thành phố báo cáo cũng có điểm khác nhau.
Trong công văn gửi thành phố, Thanh tra Bộ cho rằng Viện Sena là tổ chức chính trị xã hội, ông căn cứ vào đâu?
Đó là một cơ quan, có con người hoạt động và tổ chức. Và vì vậy họ phải được bình đẳng như tổ chức khác. Ý tôi không phải là Thanh tra nói rằng Viện là tổ chức chính trị xã hội thì phải áp dụng theo quy định này hay quy định khác. Dù là cơ quan nào, hay cá nhân thì trong trường hợp này quyền của họ với căn nhà là như nhau. Tôi muốn nói là lâu nay nhà nước có quá nhiều quyền, lúc ký tá với nhau thì là ngang hàng nhau, lúc thu hồi thì lại dùng quyền nhà nước. Tôi khẳng định là thành phố Hà Nội không sai, vì họ đang dùng quyền của nhà nước để thu hồi phục vụ an ninh quốc gia. Nếu đây là đất quy hoạch phục vụ an ninh quốc phòng thì phải di dời ngay, không ai dám cãi. Nhưng ở đây có thật là quy hoạch đất an ninh, quốc phòng không thì thành phố cần làm rõ.
Thưa ông, Bộ Xây dựng sẽ giải quyết việc vụ việc này tiếp theo ra sao?
Tôi đã báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng về việc này và đây là vụ việc đang được giải quyết rất khẩn trương. Trước khi Bộ Xây dựng chính thức ra quyết định giải quyết việc này thì sẽ mở một cuộc họp và mời Viện Sena, các cơ quan của thành phố Hà Nội như Sở Xây dựng, Thanh tra nhà nước thành phố, luật sư, các bên cùng tham gia góp ý, đối thoại thẳng thắn. Tôi vẫn giữ quan điểm nên để cho Viện Sena được tiếp tục thuê căn nhà 35 Điện Biên Phủ và trả bằng việc khấu trừ tiền Viện này đã đầu tư cải tạo, sửa chữa. Viện này cũng phải trả tiền thuê nhà đất cho nhà nước trong toàn bộ quá trình mà trước đây còn nợ. Tôi cũng kiến nghị thành phố Hà Nội phải xử lý trách nhiệm cán bộ trong buông lỏng quản lý. Khi nào Hà Nội quy hoạch khu đất này để xây dựng một công trình thực sự cần thì hoàn toàn có thể thu hồi lại.
Luật sư Đặng Văn Trác, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Nguyên: Viện Sena cố tình hiểu sai quy định
Vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ có lỗi từ cơ quan quản lý nhà nước về nhà đất của thành phố. Cơ quan sử dụng là Viện Sena đã lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý để làm những việc trái với quy định. Có những việc Viện Sena hiểu không đúng quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng nhà đất của nhà nước. Cho dù xây dựng không bằng tiền của nhà nước nhưng trường hợp này nhà nước vẫn có toàn quyền quản lý và quyền sở hữu vẫn thuộc về nhà nước. Tiền bỏ ra cải tạo sẽ được trừ dần vào tiền thuê nhà. Ở đây cũng có dấu hiệu Viện Sena cố tình hiểu sai quy định nhà nước vì trước khi cải tạo đã ký vào văn bản xác nhận: nhà đất sau cải tạo vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Thành phố Hà Nội đã áp dụng khá đầy đủ các quy định của pháp luật và có phần còn “nương nhẹ”. Đúng ra, bên cạnh việc thu hồi nhà đất, Hà Nội còn phải thu hồi các khoản tiền lên đến cả tỷ đồng khi Viện Sena cho các tổ chức khác thuê lại nhà trái quy định.