Trình bày những điểm mới về luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, luật dành một chương quy định về việc phát triển và quản lý nhà công vụ.
Theo đó, luật đã quy định theo hướng thu hẹp đối tượng được ở nhà công vụ (từ cấp Thứ trưởng ở lên ở Trung ương và từ Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc Sở trở lên ở địa phương) cũng như có quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ. Trường hợp cán bộ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ thì phải trả lại nhà, nếu không trả sẽ bị cưỡng chế thu hồi.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận câu hỏi từ báo giới, luật có quy định về chế độ đối với cán bộ khi trả nhà, cán bộ được lo nhà mới thì mới phải trả nhà công vụ hay trả nhà xong sẽ được lo nhà khác?
Trả lời câu hỏi này, ông Nam khẳng định, hết thời hạn được ở nhà công vụ, cán bộ phải trả lại nhà, không phụ thuộc vào việc có nhà ở khác hay chưa. Luật đã quy định rõ thời hạn trả nhà là 3 tháng sau khi dời vị trí công tác.
Ông Nam cho biết thêm, từ khi nhận bàn giao quản lý nhà công vụ từ Văn phòng Chính phủ chuyển sang (tháng 2/2014), Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, trình ban hành quy chế quản lý và sau đó làm thông tư hướng dẫn việc quản lý loại công sản này vào tháng 5/2014, quy định sẽ cưỡng chế đối với các trường hợp không trả nhà đúng hạn.
“Khi nhận khu nhà ở Hoàng Cầu, chúng tôi còn dự định áp dụng biện pháp cắt điện, nước với những căn hộ không trả nhà đúng quy định nhưng khi đó có nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy quá… rắn vì đối tượng sử dụng nhà đều là các cán bộ cấp cao cả. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc cưỡng chế thu hồi đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong luật” – ông Nam trình bày.
Còn về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ khi trả nhà công vụ, Thứ trưởng Xây dựng đề cập, những người trả lại nhà công vụ mà chưa có nhà ở tại địa phương đó, việc hỗ trợ thực hiện như với mọi người dân khác (được tạo điều kiện để đảm bảo quyền có chỗ ở).
Ở các thành phố thì những đối tượng này sẽ được ưu tiên mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo thông tư hướng dẫn, người đăng ký mua nhà ở xã hội sẽ được chấm điểm với thang điểm 100.
Với cán bộ trả nhà công vụ, ông Nam khẳng định sẽ được chấm đủ 100 điểm ngay để không phải chờ đợi không phải xếp hàng mà có suất mua nhà ngay. Các cán bộ thuộc diện này, theo đó, cần chuẩn bị các phương án về chỗ ở trước khi nghỉ.
Thắc mắc khác dành cho Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam là về giá thuê nhà công vụ, nhà thuộc sở hữu nhà nước hiện quá thấp nên có những căn nhà như biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, diện tích 400m2 mà giá thuê chỉ gần 500.000đ/tháng.
Ông Nam chia sẻ: “Tôi ngày xưa tôi được thuê căn hộ tập thể 16m2 ở Mai Hắc Đế giá thuê 1 năm chỉ bằng mấy điếu thuốc lá Sông Cầu. Khi đó thực hiện chế độ bao cấp về nhà ở cứ Tết là cơ quan chức năng cho quét vôi, sơn xanh lại cửa trên toàn thành phố. Vấn đề là qua thời gian, đồng tiền trượt giá nhiều lần mà chính sách ta vẫn giữ nguyên không điều chỉnh nên mức tiền thuê nhà mới được xem là quá thấp như vậy”.
Với luật mới, hiện đã có phương pháp tính giá nhà nguồn gốc nhà nước cho thuê.
Thứ trưởng Xây dựng dẫn chứng, với quỹ nhà công vụ hiện Bộ Xây dựng đang ký hợp đồng cho các Thứ trưởng, Bộ trưởng, cán bộ được luân chuyển, điều động lên Trung ương thuê, mức giá được áp dụng là 14.000 – 18.000 đ/m2/tháng. Người thuê nhà cũng tự thanh toán tiền điện nước.
“Như vậy, một người thuê căn hộ 150m2 (tiêu chuẩn với Bộ trưởng) thì cũng tốn 2 triệu đồng/tháng. Đó là một khoản chi phí đáng kể, phù hợp so với mức lương 14 triệu đồng của Bộ trưởng” – ông Nam nhận định.