Bộ tứ Sông Hồng và Tùng Dương: Cuộc gặp gỡ đương đại

Về hàm lượng nghệ thuật, tinh thần phản biện xã hội hay dân tộc tính, Bộ tứ sông Hồng đều để lại dấu ấn đậm nét mà không phải ca sĩ nào cũng truyền tải được hết. Ảnh: N.M.Hà.
Về hàm lượng nghệ thuật, tinh thần phản biện xã hội hay dân tộc tính, Bộ tứ sông Hồng đều để lại dấu ấn đậm nét mà không phải ca sĩ nào cũng truyền tải được hết. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Thương hiệu “Bộ tứ sông Hồng” được hâm nóng nhân đêm nhạc bốn tác giả Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ của Tùng Dương với khách mời Hà Trần, Bằng Kiều. 

Phải nói Tùng Dương chứng tỏ cả độ chín trong giọng hát và tư duy khi đụng tới các “trưởng lão” còn đang sống này. Âm nhạc của họ đầy sinh lực, đương thì là thế nhưng tuổi họ đều đã ngoài 70 cả. Khi cả bốn hội tụ trên sân khấu, khán giả sẽ có cái nhìn toàn cảnh và sống động về một thời chưa xa.

Khác với nhiều hội nhóm nhạc sĩ từng hình thành (gần đây là Những người bạn với bảy nhạc sĩ tại TPHCM do Trịnh Công Sơn cầm trịch), Bộ tứ sông Hồng chỉ là các nhạc sĩ cùng thế hệ, cùng uống nước một dòng sông, hợp nhau trong âm nhạc nên chơi với nhau. Không tôn chỉ, cương lĩnh gì sất. Mỗi người một phong cách sáng tác khác nhau và đều đã định hình và nổi tiếng dai dẳng nhiều thập kỷ qua. Họ chính là những con người của thời cuộc và vượt lên thời cuộc. Như những nhạc sĩ khác, họ cũng viết “nhạc đỏ”, nhạc đặt hàng, nhạc đi thi, địa phương ca… nhưng rất nhiều bài trong số đó vượt khỏi khuôn khổ ban đầu và vẽ nên chân dung của chính họ.

Phó Đức Phương tự đếm chỉ có ba bài tự viết (là Khúc hát phiêu ly, Tửu ca Tiếng người hót đắng cay), còn lại đặt hàng hết. Trong đó rất nhiều bài viết cho kịch. Trần Tiến đóng góp quá nhiều, riêng cho phong trào kế hoạch hóa gia đình bằng các bài: Sao em nỡ vội lấy chồng, Cô bé vô tư, Thượng đế bỏ đi… Hình như chỉ riêng Dương Thụ không nổi tiếng bằng bài đặt hàng. Người đàn ông cao to nhất nhóm trong âm nhạc lại giống như một “hoàng tử bé” lẩn khuất đâu đó trong hành tinh của riêng mình, tung ra những bản tình ca ngọt dịu, âm tính, đậm chất Bắc bộ dù không lộ chất liệu dân gian. Ông rõ là người làm thơ bằng nhạc.

Trong nhóm, Dương Thụ được gọi là “giáo sư”, cả nghĩ hơn cả. “Được làm bạn với ba ông này tôi sang lên nhiều. Tôi lớn tuổi nhất nhưng kém nổi tiếng nhất. Tôi không ghen tị, chỉ xấu hổ khi ngồi cạnh người nổi tiếng”. Ông kể trong lần đi cùng bạn đến cuộc thù tiếp gì đó, mọi người tíu tít đến chúc rượu Trần Tiến. Trần Tiến giới thiệu Dương Thụ, cũng là nhạc sĩ. “Họ cũng sang chúc mình nhưng giả vờ thôi, có biết mình là ai đâu,” ông kể. Còn người trong nhóm “nổi tiếng sớm nhất, bền nhất và không bị cũ” theo Dương Thụ là Phó Đức Phương.

Nổi tiếng kiểu Trần Tiến không hề nhàn nhã. “Người dân nghĩ gì thì tôi cố nói giùm họ”, Trần Tiến phát biểu. “Tôi cố gắng làm điều gì mà mọi người nghĩ cùng với tôi. Tôi viết về những điều họ trải qua, nhưng tôi mong muốn họ bay lên khỏi cái vui buồn của thực tế để làm cái gì hay hơn, nhân văn hơn…”. Những thăng trầm cuộc đời Trần Tiến qua lối kể của chính ông càng mang màu sắc huyền thoại, gần giống như của người hoạt động cách mạng. Vài lần nhạc bị cấm, vài lần suýt bị bắt và được cứu là những gì đã xảy ra với ông. Nghệ thuật tạo điều kiện cho ai đó lánh đời, thì đằng này Trần Tiến từ những năm 1980 luôn xông lên tuyến đầu với những bài hát hăng say cổ vũ cho cái tốt, vạch trần cái “chậm tiến”. Đó chính là thời Trần Tiến viết khỏe, tự tin với cái mình viết và cũng tự hát luôn. Vì thế trong bộ tứ, Tiến chính là người có nhiều show nhất. Trần Tiến chính là người viết thời sự nhất, pop nhất trong thế hệ mình.

Nếu Trần Tiến gần gũi với cuộc đời bao nhiêu thì Phó Đức Phương thăng bấy nhiêu. Ông toàn viết những Mái chèo thiên thu, Trên đỉnh phù vân, Khúc hát phiêu ly (về Trương Chi)… Trong những bài như Bài ca thần chim Lạc, Hoa Lư đại trận tập… ông để cho cổ nhân, thần nhân lên tiếng luôn. Tóm lại ông đưa người nghe lọt thỏm vào thế giới hư để thấy nó rất thực. Ông cũng có một bút pháp tương xứng kịch tính, đậm chất dân gian để diễn tả ổn thỏa tất cả những thứ siêu hình đó.

Lời nhận xét của ông thủ thư Nhạc viện Đặng Đình Lưu (chú của Đặng Thái Sơn) dành cho Đàn cầm dây vũ dây văn: “Trước giờ người ta chỉ lấy chất liệu dân ca để làm bài hát, nhưng với bài hát này, Cường đã cho lại dân ca…” có thể gán cho Phó Đức Phương cũng không ngoa. “World music, phát triển dân gian không ai làm được như Phó Đức Phương”, Dương Thụ nhận định. “Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân ngày xưa có cái hay, nhưng nghe nó khác. Phải thời đại này, ở mức độ nào của cuộc sống, của văn hóa mới đẻ ra cái đó”.

Nếu những bài của Dương Thụ giản dị nhất có thể, nhạc sĩ Quốc Bảo quy cách viết của Dương Thụ vào tối giản (minimalist), thì Nguyễn Cường, Phó Đức Phương càng về sau càng có khuynh hướng viết trường ca, hùng ca. Nhiều sáng tác của Phó Đức Phương cũng như Nguyễn Cường đều đòi hỏi người hát phải dốc hết gan ruột ra thể hiện trong trạng thái “lên đồng”. Nhạc của Dương Thụ dành để nghe một mình ban đêm, trong tiếng mưa rả rích, thì đôi bài của Cường, Phương lại phải được cất lên trên sân khấu lớn, trong lễ hội hoành tráng. Còn Trần Tiến vẫn điềm nhiên với của để dành là chùm 43 ca khúc chiêm nghiệm Ra ngõ… (tất cả tên bài hát đều mở đầu bằng 2 từ này) mà Ngọc Đại phải vỗ đùi “chửi” là “siêu âm nhạc” còn Trịnh Công Sơn tiên đoán nếu đưa cái này ra thì Tiến đã khiếp rồi, còn “khủng” hơn nữa.

Dương Thụ với bằng Sư phạm Văn và khoa nói được phong “giáo sư” là người ghi nhớ kỹ các mốc lịch sử của nhóm. Phó Đức Phương được kết luận là “gàn”. Mà thực tế là gàn không được, một khi đã thích là ông bỏ đi thu tác quyền, quên nhạc luôn. Tiến thì đơn giản là “bụi” vì có nết lang thang, sẵn sàng ra vườn hoa ngủ, đi lên từ công việc rửa thùng nấu phở, kéo xe ba gác, kéo màn sân khấu… “Cuồng nhiệt” là định tính của Nguyễn Cường. Ai gặp ông cũng có thể cảm nhận khí thế đó qua giọng nói, cử chỉ.

Nguyễn Cường: “Phương rất kỹ, có lần nói bài này tao phải hướng dẫn cho ca sĩ mất 7 ngày. Tôi chỉ 7 phút. Chỉ cần ca sĩ hát trước mặt tôi một lần đúng, còn sau đó là bài của họ. Bài Em nhớ thương ai Siu Black bỏ hẳn một đoạn tôi thấy cũng được!”. Phó Đức Phương hồ hởi tiếp lời: “Thèm được như Nguyễn Cường!” Tôi tin là nhiều nhạc sĩ cùng thời cũng đang thèm được như bộ tứ, không phải vì hay dở mà là vì độ đeo bám. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, họ vẫn có chỗ đứng chắc khỏe trong hiện tại.

Dương Thụ cho rằng việc Tùng Dương - cá tính đa chiều và nổi bật của thế hệ 8X - tổ chức đêm nhạc cho bộ tứ là một sự đóng góp cho văn hóa. Còn người viết thì cho rằng, trong dòng chảy sống động của lịch sử âm nhạc, cái gì đến sẽ phải đến, những ai cần gặp nhau sẽ phải gặp. Và cuộc gặp này không phải để hồi cố hay bảo tồn mà để khẳng định tính đương đại.

Dương Thụ tâm tình với Tùng Dương: “Bọn chú viết cho bọn cháu chứ không phải cho ông già bằng tuổi chú hát. Thế hệ chú không hát bài chú, coi ông Cường là lôm côm, Tiến cũng thế. Phương có vẻ được hơn, nghiêm túc hơn. Khán giả biết đến 4 người này là do các cháu hát”. 

MỚI - NÓNG