Ba quyết định lịch sử
Sáng 21/10, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội cùng nhiều vấn đề quan trọng khác, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, dịch cơ bản được kiểm soát tốt, kể cả ở những vùng tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Long An… với các chỉ số về ca nhiễm, ca tử vong giảm rõ rệt.
Theo bộ trưởng, đây là “cuộc chiến” chưa có tiền lệ, nhưng phạm vi và mức độ ảnh hưởng rất lớn, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và đặc biệt, ảnh hưởng sinh mạng, sức khỏe người dân.
Việc giãn cách xã hội được áp dụng từ tháng 4/2020, sau quyết định của Thủ tướng, nhưng khi đó số ca nhiễm không lớn. Còn với giai đoạn vừa qua, giãn cách xã hội rất khó khăn, nhất là với 19 tỉnh, thành phía Nam. Sau đó, lệnh tăng cường giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng ở một số nơi với tinh thần “ai ở đâu ở đó”, người dân hạn chế ra khỏi nhà.
Ông Long cho biết, đợt bùng phát lần thứ 4 với biến thể Delta, thế giới coi đây như một đại dịch mới, gây tác động đảo ngược lại tất cả thành tựu chống dịch của các nước, kể cả nước phát triển và có tỷ lệ tiêm chủng cao. Chúng ta cũng rất căng thẳng khi ứng phó với biến chủng virus này. Qua 2 năm chống dịch, đã có nhiều quyết định rất khó khăn, điển hình như việc giãn cách xã hội.
Việc giãn cách xã hội được áp dụng từ tháng 4/2020, sau quyết định của Thủ tướng, nhưng khi đó số ca nhiễm không lớn. Còn với giai đoạn vừa qua, giãn cách xã hội rất khó khăn, nhất là với 19 tỉnh, thành phía Nam. Sau đó, lệnh tăng cường giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng ở một số nơi với tinh thần “ai ở đâu ở đó”, người dân hạn chế ra khỏi nhà.
Theo tư lệnh ngành y tế, lần này, biện pháp cao hơn được áp dụng nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã mở đường cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp, nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp.
Điển hình ở TPHCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khi đưa ra quyết định giãn cách, tăng cường giãn cách đã phải rất cân nhắc, tính toán vì câu chuyện lo ăn cho 4 triệu người dân với thành phố là một thách thức rất lớn.
Một quyết định khác được ông Long nhắc đến là việc điều động lực lượng với số lượng lớn chưa từng có, lên tới khoảng 300.000 người, gồm cả lực lượng y tế, công an và quân đội. “Đây là lần điều quân lớn nhất, là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử”, ông Long chia sẻ.
“Đây là lần điều quân lớn nhất, là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử” - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Quyết định thứ ba là việc thiết lập các phòng cấp cứu và trung tâm hồi sức tích cực ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Theo ông Long, khi ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian rất ngắn, hệ thống y tế không thể đáp ứng nổi.
“TPHCM so với các nơi khác có nền tảng y tế tốt nhất, nhưng bệnh nhân tăng nhanh, rất nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu nên chúng ta đã quyết định thành lập trung tâm hồi sức tích cực và phải điều những lực lượng thậm chí chưa bao giờ làm việc đó cùng vào cuộc”, ông Long bày tỏ.
Lực lượng y tế “xông pha trận mạc nhiều nhất”
Đề cập đến các giải pháp trong năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong số 12 giải pháp đã đề ra, cần phải xác định ra những trọng tâm để tập trung triển khai cho thật tốt. Ví dụ, trong phòng, chống dịch COVID-19 thì tập trung vào cái gì? Phải giảm số lượng ca tử vong, hay bình thường mới dựa trên tiêu chí nào? Như thế việc giao thương, đi lại của dân mới thuận lợi được.
Theo ông Cường, đặc biệt phải tập trung đến vấn đề bao phủ vắc xin. Trên cơ sở đó, cần đặt trước vắc xin để đi trước đón đầu.
Trọng tâm thứ hai là phục hồi và phát triển kinh tế. Vậy thì gói kích cầu như thế nào, sản xuất, lưu thông hàng hoá ra sao? Trong đó, vấn đề cải cách hành chính rất quan trọng, Chính phủ đã đề nghị 1 luật, sửa 10 luật, trình kỳ họp Quốc hội cuối năm để giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn.
Tuyên dương công trạng của lực lượng tuyến đầu
Liên quan đến vấn đề dịch bệnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cá nhân ông và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chứng kiến và chỉ đạo 3 đợt dịch. Còn đợt dịch thứ 4, ông sang làm Chủ tịch nước, nhưng với tư cách nguyên thủ quốc gia, càng phải có trách nhiệm nhiều hơn, thường xuyên gọi điện, thường xuyên trao đổi với Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế… để tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa, tất cả đều là phục vụ nhân dân.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, qua đợt dịch bệnh, cho thấy sự cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt lực lượng tuyến đầu như quân đội, công an… Nhất là lực lượng y tế, xông pha trận mạc nhiều nhất, vất vả nhất.
Chủ tịch nước cho biết, cách đây mấy tháng, ông đã có văn bản yêu cầu ngành y tế, Chính phủ sơ kết, tổng kết, đánh giá, tuyên dương công trạng của lực lượng tuyến đầu.
“Vừa rồi Thủ tướng đã có bằng khen cho lực lượng này, nhưng tôi đề nghị Bộ Y tế nâng lên, tuyên dương những anh hùng, những người có công trạng lớn trong khám chữa bệnh cho nhân dân, rồi những tấm gương thiện nguyện...”, Chủ tịch nước bày tỏ.